Chuyên gia y tế nói gì về vụ tiếp viên Vietjet Air tử vong?

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia có 3 nguyên nhân có thể khiến tiếp viên Vietjet air tử vong, sau phẫu thuật khớp gối.

Liên quan tới nguyên nhân tiếp viên Vietjet air tử vong, tại Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, mới đây lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho biết: "Nguyên nhân ngưng tim ngưng thở của bệnh nhân Toàn sau khi phẫu thuật khớp gối chưa xác định rõ. Bệnh nhân có thể tử vong do rối loạn nhịp tim, do bệnh lý tim mạch tiềm ẩn chưa phát hiện được trên điện tim và siêu âm tim trước đó".
Bên cạnh đưa ra thông tin trên, lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cũng xin nhận trách nhiệm cũng như xin lỗi gia đình bệnh nhân toàn vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Liên quan tới nguyên nhân tử vong của tiếp viên hàng không trên một số bác sĩ, chuyên gia trong ngành Y đã lên tiếng.
Chuyen gia y te noi gi ve vu tiep vien Vietjet Air tu vong?
 GS.TS Nguyễn Đức Công giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ thông tin về ca tử vong của Dương Châu Toàn. 
Theo Bác sĩ Từ Quốc Thanh, Bệnh viện Trưng Vương, TP HCM: "Một nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Pittsburgh  Mỹ  kết luận những trường hợp tử vong như bệnh nhân Toàn thường do 3 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân đầu tiên thường gặp nhất đó là do những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn như rối loạn nhịp tim, hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp...Nguy cơ bệnh tim này thường không lường trước, hay dự phòng trước được. Nguy cơ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào ngay kể với người bình thường tới người bệnh vừa phẫu thuật như Toàn. Những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn ở trên thường gây tử vong rất cao.
Nguyên nhân thứ 2 thường liên quan tới việc xuất huyết, chảy máu như có bệnh lý đông máu nội sinh, điều trị kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu.
Nguyên nhân thứ 3 phải kể đến là thuyên tắc phổi. Thuyên tắc phổi là do những cục máu đông xuất hiện ở các tĩnh mạch chân,  phân tán và di chuyển lên tim, phổi, gây tắc nghẽn mạch dẫn tới đột quỵ tử vong đột ngột.
Bác sĩ Từ Quốc Thanh cũng cho biết thêm: "Trong y khoa những trường hợp tử vong như bệnh nhân Toàn là ca đột tử không mong đợi. Việc này hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả ở những nước tiên tiến có nền y học đặc biệt phát triển".
Bên cạnh đó, bác sĩ Võ Xuân Sơn, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy - một bác sĩ uy tín và có tiếng và có tâm trong ngành Y cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân liên quan tới trường hợp bệnh nhân Dương Châu Toàn Tử vong. Theo bác sĩ Sơn:" Y khoa là một ngành khoa học mà cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Có rất nhiều hiện tượng xảy ra nằm ngoài tầm hiểu biết của khoa học hiện thời. Cho nên, việc Bệnh viện Thống Nhất chưa tìm được nguyên nhân xảy ra cơn co giật, mặc dù đã tổ chức hội chẩn với những chuyên gia về các lĩnh vực liên quan ở thành phố không phải là điều bất thường".
Chuyen gia y te noi gi ve vu tiep vien Vietjet Air tu vong?-Hinh-2
 Dương Châu Toàn
Cơn co giật của Toàn xảy ra sau khi chích thuốc Mobic hơn 2 giờ, sau khi dùng các thuốc khác hơn 4 giờ. Rất ít khả năng cơn co giật này là do thuốc gây ra. Ngoài ra, theo như biểu hiện được mô tả lại, cơn gồng cứng rồi co giật, mạch chậm, huyết áp tụt… rồi ngưng tim, là biểu hiện kết hợp giữa những dấu hiệu của nhiều loại nguyên nhân khác nhau. Rất khó giải thích theo bất cứ hướng nào.

"Với diễn biến của việc Toàn được mổ ngay trong ngày nhập viện, khi than đau được chỉ định chích thuốc kháng viêm, giảm đau ngay, khi lên cơn gồng cứng và co giật được cấp cứu ngay, khó có thể nói nhân viên bệnh viện tắc trách. Đấy là chưa kể việc bệnh viện mời cả những bác sĩ ngoài viện mà gia đình tín nhiệm đến hội chẩn để tìm cách cứu chữa cho Toàn". Bác sĩ Sơn chia sẻ.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, đại diện Bệnh viện Thống Nhất GS.TS Nguyễn Đức Công giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ: "Thực sự, chúng tôi chỉ mong sớm tìm được nguyên nhân dẫn tới tử vong của người bệnh để có câu trả lời cho những thắc mắc từ gia đình và cộng đồng. Nhưng thực tế việc tìm nguyên nhân là rất khó khăn và gần như vô vọng.
Với trường hợp bệnh nhân Toàn, nguyên nhân có thể do sau mổ bệnh nhân bị cục máu đông di chuyển lên phổi gây tắc động mạch phổi dẫn tới tử vong; người bệnh cũng có thể bị rối loạn nhịp tim và tử vong hoặc một vài nguyên nhân khác... Chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn. Để có thể tiếp cận được nguyên nhân tử vong thì việc giải phẫu tử thi là phương pháp khả quan và khách quan nhất".
"Tuy nhiên, bệnh nhân mất đã lâu và ngay từ đầu gia đình cũng muốn người thân được an nghỉ, họ đang quá đau buồn nên chúng tôi chưa dám đề cập tới" ông Công cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Từ Quốc Thanh cũng khẳng định để làm rõ nguyên nhân chính xác nhất khiến bệnh nhân Toàn tử vong phải tiến hành giải phẫu tử thi".
Nếu không mổ tử thi, thì việc khảo sát nguyên nhân thường không chính xác. Mọi nguyên nhân đưa ra đều chỉ là suy đoán. Tôi đơn cử trong nghiên cứu khác tại trung tâm y tế của trường ĐH Pittsburgh, đây là một trung tâm y tế lớn, nổi tiếng và uy tín tại Mỹ. Họ đã từng tiến hành mổ giải phẫu tử thi cho 175 ca bệnh bị đột tử không mong đợi như Toàn để xác định nguyên nhân tử vong" ông Thanh nói.
Thu Nguyên