CNN dẫn lời TSArchana Chatterjee, Hiệu trưởng Trường Y khoa Chicago, Đại học Rosalind Franklin, Mỹ: “Để kiểm soát dịch, chúng ta có thể cần một số hình thức tiêm chủng định kỳ. Chúng tôi sẽ thu thập thêm dữ liệu để xác định nên tiêm phòng hàng năm hay hai năm một lần hoặc 5 năm một lần”.
Về quan điểm này, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, TS Scott Gottlieb nhận định: "Tôi nghĩ cần hướng tới việc tiêm vắc xin hàng năm, ít nhất là trong tương lai gần, cho đến khi chúng ta thực sự hiểu về dịch tễ của căn bệnh này và liệu nCoV có đang suy giảm giống 4 chủng corona khác hay không”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng chúng ta nên tiêm vắc xin 6 tháng/lần để thực sự được bảo vệ và chống lại triệu chứng cũng như ảnh hưởng khác tới cơ thể. Có thể COVID-19 sẽ không sớm biến mất, nên một số nhà nghiên cứu dự báo đại dịch sẽ chuyển sang giai đoạn đặc hữu hay bệnh lưu hành. Nói cách khác, nó có thể là bệnh thường xuyên xuất hiện trong một quần thể nhưng không ảnh hưởng số lượng lớn đến mức báo động.
Virus corona lây nhiễm sang người lần đầu tiên vào những năm 1960, trong đó, 4 chủng gây ra bệnh cảm lạnh thông thường. Các virus corona khác ở người là MERS, SARS và SARS-CoV-2.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra khả năng miễn dịch chống lại nCoV của vắc xin Pfizer, Moderna, J&J có thể suy giảm trong vài tháng, đặc biệt ở nhóm người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu. Cùng với biến chủng mới, tình hình dịch có thể trở nên căng thẳng hơn.
Các chuyên gia đồng tình với việc tiêm mũi tiêm tăng cường trong tương lai với công thức khác với vắc xin hiện hành. Một số công ty như Pfizer cũng đang phát triển vắc xin có hiệu quả với mọi biến chủng của nCoV. Mong muốn của họ là “tạo ra sản phẩm có thể bảo vệ trong ít nhất một năm”.
Trong khi đó, Moderna và Novavax cũng nghiên cứu vắc xin kết hợp chống được cúm lẫn COVID-19.
Theo Anh Xuân Mai/Zing