Ngày 9/6 cô bé Trác Lâm 15 tuổi là con gái Thành Long tự tử bằng cách cắt cổ tay. Rất may là ngay sau đó, cô bé đã được mẹ phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.
Kể từ khi sinh ra, bé Trác Lâm, giọt máu rơi của Thành Long và người đẹp Ngô Ỷ Lợi, luôn nằm trong tầm ngắm của dư luận. Cuộc sống của mẹ con bé luôn bị soi mói, thân phận con không cha của Trác Lâm cũng luôn bị nhắc đi nhắc lại trên mặt báo. Trong khi đó, ngôi sao võ thuật - điện ảnh Thành Long dứt khoát không động một ngón tay để giúp đỡ con mình, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngoài những bức ảnh chụp hai mẹ con trên đường phố, người đời không biết những gì đang diễn ra trong tâm hồn Ngô Trác Lâm, không biết hoàn cảnh đặc biệt đã ảnh hưởng đến cô bé ra sao cho đến gần đây, khi Trác Lâm bước vào tuổi thiếu nữ. Sau hàng loạt phản ứng nổi loạn, cô bé đã có hành động khiến dư luận bàng hoàng: cắt cổ tay tự tử.
|
Thành Long và con gái Trác Lâm. |
Lý giải nguyên nhân khiến Trác Lâm muốn tìm đến cái chết, chuyên gia nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho biết: Con gái Thành Long đang ở độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý chưa ổn định. Cô bé lại sống không có cha. Tệ hơn, cha cô bé là người rất nổi tiếng, ông ấy không thừa nhận con gái và cả thiên hạ đều biết điều này. Những người như Trác Lâm có một tinh thần rất yếu ớt và dễ bị tổn thương, trong khi thường xuyên phải trở thành tâm điểm của dư luận, sống trong sự dòm ngó của mọi người nên áp lực và tổn thương tâm lý rất lớn.
Trước khi tự sát, Trác Lâm đã không ít lần khuấy động dư luận bằng những hành động như bỏ nhà ra đi, tự làm mình bị thương, Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, điều đó thể hiện sự yếu ớt của một tâm hồn bị tổn thương nghiêm trọng.
"Những người trẻ ở độ tuổi dậy thì, là trẻ vị thành niên thì khi họ gặp phải những khúc mắc, bế tắc trong cuộc sống rất dễ dẫn tới những hành vi tiêu cực. Bản thân các em ở độ tuổi dậy thì là độ tuổi có những biến đổi tâm sinh lý rất bất thường, nếu phải chịu quá nhiều những tác động, áp lực họ thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, đó là tự xâm kích, các em có thể tự làm tổn thương bản thân, có thể sống một cách bất cần và có nhiều hành vi bất thường. Đỉnh cao của phản ứng đó là tự tử", ông Chất phân tích.
Những cô bé như Trác Lâm chưa hiểu hết được hậu quả những hành vi của mình. Việc tự làm tổn thương đơn giản chỉ để giải thoát cho bản thân khỏi những áp lực, bế tắc đang chịu đựng.
|
Những người như con gái Thành Long có một tinh thần rất yếu ớt và dễ bị tổn thương. |
Theo ông Chất, trong số các ca tự tử, lứa tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ cao do các em đang trong thời kì biến đổi tâm sinh lý. Tuổi này thường đặc biệt nhạy cảm, cái tôi cá nhân lớn, lòng tự trọng luôn đặt lên rất cao nên khi bị xúc phạm, bị mắng chửi, đặc biệt trước mặt bạn bè hoặc mọi người mà bị nghi oan, bạn trẻ thường dễ tổn thương và có những hành động chống đối tiêu cực. Khi bị phê bình hoặc khi nghĩ là mình bị đối xử không công bằng, các em dễ bị suy sụp và có thể dẫn đến tự ti, mặc cảm...
Quay về trường hợp của Ngô Trác Lâm, hành động cắt cổ tay tự tử của em là kết quả của một chuỗi tổn thương tâm lý mà em phải chịu đựng suốt nhiều năm ròng. Nếu không phải là đứa con ngoài giá thú, đặc biệt nếu bố em không phải Thành Long, có lẽ tuổi thơ và thời niên thiếu của em sẽ ít bi kịch hơn.
Thu Minh