Chuyện bi hài ở những gia đình F0 nhiều hơn F1

Google News

Đang khỏe như vâm, khi biết mình dương tính với COVID-19, bà giúp việc của chị Minh đánh rơi cái giẻ lau và lập tức cảm thấy khó thở, rát họng, rét run.

Số người mắc COVID-19 tăng nhanh thời gian này làm xuất hiện ngày càng nhiều những “gia đình F0”, nơi toàn bộ hoặc phần lớn thành viên có kết quả dương tính. Nhiều chuyện bi hài trong quá trình chiến thắng dịch bệnh của họ được chia sẻ.

“Bệnh nặng” chỉ sau vài giây

Nhà chị Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) 7 người (bao gồm 2 bà giúp việc) thì có đến 6 F0. Hầu như mọi người đều có triệu chứng nhẹ hoặc không xuất hiện biểu hiện bệnh rõ rệt nên vợ chồng chị Minh không quá lo lắng hay vất vả. Điều khiến chị đau đầu và mệt mỏi nhất là vỗ về, an ủi bà giúp việc nhát gan tên Hoàn, có phản ứng thái quá với thông tin mắc COVID.

Bà là F0 được phát hiện muộn nhất trong gia đình. Trước đó khi lần lượt những thành viên khác có kết quả test dương tính, bà Hoàn đã “tự cách ly” bằng cách từ chối một số công việc thường làm và luôn đeo 2 khẩu trang. Khi chị Minh thông báo bà cũng đã dương tính, người phụ nữ 50 tuổi này đang lau tủ bếp. Cái giẻ lau trên tay rơi xuống, bà Hoàn ngồi phịch xuống sàn. Khi biết chỉ số CT của mình cao tới 29 (thực tế chỉ số này càng cao thì chứng tỏ lượng virus trong cơ thể càng thấp, khả năng lây nhiễm thấp), bà thêm sợ hãi, nghĩ mình bệnh nặng.

Chuyen bi hai o nhung gia dinh F0 nhieu hon F1

“Bà ấy đang rất khỏe nhưng vừa nghe kết quả xét nghiệm thì lập tức kêu khó thở, rát họng và sốt cao. Mình kiểm tra thấy thân nhiệt vẫn bình thường, nhưng bà vẫn kêu là rét run và tha thiết xin mình cho đi bệnh viện”, chị Minh kể. Chỉ đến khi nghe giải thích rõ ràng, “các triệu chứng nặng” của bà mới biến mất.

Tuy nhiên trong 4 ngày trước khi có kết quả âm tính trở lại, bà giúp việc trở nên cực kỳ "mong manh dễ vỡ". Dù đều nhiễm virus nhưng bà vẫn tránh xa những F0 khác, đeo khẩu trang ngay cả khi nằm một mình dù ai nấy cảnh báo là làm vậy sẽ thiếu oxy, hại phổi. Bà làm gì cũng sợ nên các F0 chủ nhà phải phục vụ F0 giúp việc cho đến khi ai nấy đều âm tính.

Bị đuổi, hết tháng mới được về nhà

Tình huống hài hước khác xảy ra với anh Long, 43 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sau mấy ngày đi công tác miền núi, anh mệt mỏi về nhà. Lười lục chìa khóa, anh bấm chuông, một phút sau cậu con trai học lớp 5 thò đầu ra từ ban công tầng 2, khẩu trang kín mít, gọi vọng xuống: “Bố ơi, mẹ bảo bố lại đi đi, hết tháng hẵng về, nhà mình F0 hết rồi”.

Long lấy điện thoại bấm gọi vợ qua messenger mới biết, hóa ra tối hôm trước vợ có nhắn tin báo nhưng anh quá bận không đọc. “Hoặc là anh vào và chịu ở trong phòng cho đến lúc em và các con âm tính, hoặc là sang ông bà nội ở. Hai thằng con mình nghịch như giặc, không chịu bị nhốt đâu”, nghe vợ phán, anh Long đành “tự trả mình về nơi sản xuất” cách đó 20 cây số.

Cũng là người duy nhất chưa nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, anh Hiếu (Hải Phòng) trải qua một khóa đào tạo việc nhà bất đắc dĩ. Từ chỗ không biết làm gì và không chịu động tay vào việc gì, anh đành phải “làm ôsin” cho cả nhà vì không chịu nổi việc bị nhốt trong phòng, công việc của anh cũng không phù hợp làm online, vợ anh lại rất mệt. Hễ về đến nhà là Hiếu đầu tắt mặt tối nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ, nấu nước xông…, việc gì cũng đến tay.

“Hết đợt COVID là ông ấy từ lão chồng lười như hủi biến thành trai đảm”, vợ Hiếu hào hứng chia sẻ. “Giờ thì đừng hòng lấy cớ không biết làm để đùn hết việc nhà cho vợ nữa, em đã chia việc cho ông ấy rồi, kêu than ầm ĩ nhưng không thoát được”.

Trẻ đẹp sau đợt mắc COVID-19

Việc nhiễm virus gây dịch COVID-19 lại ảnh hưởng đến chị Kim Thanh (45 tuổi, TP.HCM) theo một cách tốt đẹp bất ngờ: Chị trẻ và xinh hẳn ra sau gần 2 tuần theo dõi, điều trị tại nhà. Con cái đã lớn nên lâu nay chị Thanh không quá vất vả với chuyện nội trợ, tuy nhiên việc công ty lại chiếm hết thời gian nghỉ ngơi của chị. Công việc của chị đòi hỏi phải ra ngoài nên thời gian ở nhà tự điều trị COVID-19 đối với chị chính là thời gian nghỉ ngơi.

“Đã nhiều năm rồi, nay tôi mới được ngủ đã đời ngày 8 tiếng, mới có thời gian để nghe nhạc, đọc sách, đầu óc thư giãn hoàn toàn chứ không bị thúc ép bởi các đòi hỏi không ngừng của sếp, sự thúc ép của đối tác và khách hàng”, chị Thanh tâm sự. Cả nhà đều nhận thấy chị trẻ đẹp hẳn ra, bọng mắt và quầng thâm biến mất, “rãnh cười” ở vùng mũi – má được nâng lên khiến gương mặt chị trở nên nhẹ nhõm, bừng sáng, da căng bóng.

Kể về quá trình cùng gia đình vượt qua COVID-19, chị Lê Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Cũng buồn cười, ở cùng một nhà mà ngày nào gia đình tôi cũng ‘họp trực tuyến’ qua facetime. Phe dương tính ở tầng trên, phe âm tính ở tầng dưới. Sau mấy ngày thì ‘nhân sự’ của hai nhóm lại đổi cho nhau vì F1 thành F0, còn F0 thì âm tính trở lại”.

Chị Mai có 2 con, ban đầu chỉ có mẹ, con lớn và bà nội dương tính, được cách ly trong phòng ở tầng trên; ông nội, bố và bé út 4 tuổi ở tầng dưới. Bé út nhớ mẹ, lại thấy chị gái cùng mẹ và bà chơi trò chơi, cười đùa vui quá nên nằng nặc đòi vào ở cùng. Không được đáp ứng, bé khóc khản cả cổ.

“Nó khóc lóc mè nheo dữ quá nên đến khi bé có kết quả xét nghiệm dương tính, cả nhà cũng không biết đó có phải là tin xấu hay không nữa. Còn con bé thì vui như Tết khi được nhập hội với chị. Rất may là cả hai đứa đều không có triệu chứng, vẫn khỏe mạnh bình thường”, người mẹ kể.

Gia đình anh Vinh (Bắc Ninh) cũng vượt qua đợt mắc COVID-19 một cách khá nhẹ nhàng khi không ai có triệu chứng nặng. “Tôi là F1 duy nhất nên bị cách ly trong phòng riêng, còn đội F0 đông đảo chiếm lĩnh ngôi nhà. Chả mấy khi có cơ hội chơi game cả ngày nên tôi không thấy tù túng gì, khổ nhất là chuyện ăn uống. Vốn tài nấu nướng của mẹ và vợ tôi đều ở mức tàm tạm, nay mắc COVID-19, họ mất cả khứu giác lẫn vị giác nên món ăn thật kinh khủng, khi mặn khi nhạt, khi ngọt lừ, chua loét, khó nuốt vô cùng. Tôi góp ý thì bị mắng tơi tả, bảo là người bệnh đi phục vụ người khỏe, còn chê bai cái nỗi gì. Sợ quá, chỉ mong cả nhà mau âm tính trở lại”.  

Với xu hướng gia tăng số ca bệnh hiện nay, thời gian tới chắc sẽ có thêm nhiều “gia đình F0”, cùng với đó là những tình huống “khó đỡ” đánh dấu một giai đoạn không thể quên.

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi. 

Theo VÂN ANH/VTC