Tôi về thăm dì. Sau hai năm, dì thay đổi quá nhiều. Như đọc được suy nghĩ của tôi, dì cười “con bất ngờ lắm phải không? Tất cả là từ dượng mà ra đó”.
|
Ảnh minh họa |
Tôi vẫn nhớ như in, tầm mùng Sáu, mùng Bảy tết của hai năm về trước, dì gọi điện cho tôi: “Có chuyện rồi con ơi”. Tôi hốt hoảng vượt 30 cây số lên gặp dì. Bộ dạng của một người thiếu ngủ nhiều ngày, nhà cửa bừa bộn ngổn ngang, dì lôi tôi vào phòng ngủ của bà. “Dượng Trung có bồ con ạ”. Tôi ngớ người vì lâu nay vốn rất quý trọng chồng dì. “Ổng say nắng con Nga, học trò cũ”. Tôi điếng người, không tin vào tai mình. Sao dượng Trung lại thế được? Dượng vốn mực thước, đàng hoàng. Thì ra, không chuyện gì là không thể xảy ra.
Năm nào cũng vậy, ra tết, học trò cũ lại mời thầy cô gặp mặt đầu năm. Dượng tôi luôn là cái tên được học sinh nhớ tới. Những cái ôm thật chặt của tình thầy trò vô tình làm dượng tôi xao xuyến. Cô nữ sinh tên Nga thuở xưa giờ đã trưởng thành, chững chạc và mặn mà. Thầy trò chụp ảnh tag lên Facebook, lưu lại số điện thoại của nhau để tiện liên lạc hỏi thăm.
Dì tôi không phát hiện điều gì lạ thường vì lần nào gặp lại trò cũ, chồng mình cũng hồ hởi như trẻ ra chục tuổi. Chỉ có thằng cháu ngoại cằn nhằn vì ông ngoại giành máy tính bảng mà không nhường cho nó như trước. Thấy vậy, cả nhà cười chuyện ông già, con trẻ.
Sự thật chỉ được hé lộ khi dì nhận thấy dượng đi dạy thất thường. Lịch công tác của chồng bao năm qua bà còn lạ gì, nhưng dạo này hay đi sớm về trễ. Dì tôi hỏi, dượng ậm ừ “dạy thay”. Nhưng dạy thay ai thì dượng tôi đánh trống lảng. Cho đến một chiều, cô hiệu trưởng điện về nhà hỏi dì “thầy Trung có việc gì đột xuất mà không tới lớp”, điện thoại cho chồng thì “thuê bao tạm thời không liên lạc được”.
Chưa bao giờ tôi thấy dì quay quắt đến vậy. Họ vốn là cặp đôi được mọi người quý trọng vì đã đồng cam cộng khổ hơn 30 năm qua. Chúng tôi vẫn thường thích lên nhà dì dượng chơi vì họ sống thân thiện, hòa đồng. Chưa bao giờ tôi nghe họ tiếng nặng tiếng nhẹ với nhau. Dì tôi về hưu non nên đảm đang chợ búa, việc nhà. Dượng ngoài giờ đứng lớp còn chịu khó dạy thêm. Dì vẫn luôn tự hào “tao chẳng giàu nhưng con cái ngoan và chồng tử tế”.
Dượng tôi về nhà trong sự chờ đợi của vợ. Không khí đậm chất hình sự khi “anh đi đâu mà giờ này mới về”. Thoáng chút thiếu tự tin trong câu nói của dượng “anh dạy tiết 4 xong ghé thăm đồng nghiệp ốm”. Chỉ đợi có vậy, dì tôi ngắt lời “chiều nay cô hiệu trưởng điện thoại về…”. Dượng tái mặt vì bị vợ phủ đầu. Tránh ánh mắt ngờ vực và cuộc khẩu chiến sắp bùng nổ, dượng lên nhà thoái lui “ba đau đầu quá”.
Bí mật của dượng bị hé lộ khi có sự nhập cuộc của các con. Dì bảo “dì không có ý định giấu tụi nó. Chúng đã lớn, có đủ tư cách, trách nhiệm lo lắng cho gia đình này”, rồi nói nhỏ “tao mù công nghệ, không có tụi nhỏ thì biết đường nào mà lần”.
Không khó để mấy người con của dì nắm được thông tin về Nga, cô học trò lớp 10 của dượng 19 năm trước. Nga đã lập gia đình, có hai con và hiện chồng đi xuất khẩu lao động nên về nhà mẹ ở. Điều đặc biệt, công ty bảo hiểm nơi cô ấy làm việc chỉ cách trường dượng tôi dạy học 10 cây số.
Chiếc xe ô tô chở dì tôi cùng con, dâu, rể đỗ ngay trước cổng nhà mẹ Nga. Cô ấy bối rối, lí nhí “sao cô biết nhà em?”. “Vì em là học trò của thầy – chồng cô mà”, dì tôi nghiêm giọng. Để cho con cái mình hồ hởi nói chuyện với ba mẹ Nga xem như một cuộc ghé chơi, dì tôi nháy mắt để Nga ra sau vườn nói chuyện.
Nằm trong dự đoán của dì, Nga nói trước “em với thầy không có chuyện gì cô ạ”. Dì tôi đọc chính xác những tin nhắn mà họ đã qua lại với nhau, tên quán cà phê, ngày giờ gặp thầy giáo cũ... Hoàn toàn bị động, Nga chỉ biết thốt lên “thề với cô là em và thầy chưa có gì”. “Chính vì chưa có gì nên mới có buổi gặp gỡ hôm nay. Cô không nghĩ phải đợi có chuyện gì thì sự việc mới được giải quyết”.
Những lời gan ruột của dì tôi như được Nga nuốt vào: “Cô biết, lỗi tại thầy đa cảm quá. Thầy không còn trẻ nữa nhưng vẫn là đàn ông. Sự quan tâm của trò dù vô tình nhưng cũng làm thầy ngộ nhận. Nhưng đàn bà khi đã có gia đình nên biết giới hạn của mình em ạ. Đừng vì có được cái hợp đồng mà sẵn sàng thả thính để thầy mình bắt bóng không hay…”. Nga không nói thêm được lời nào. Mẹ con dì ra về bằng lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới gia đình cô.
Trở về nhà, người con rể chở dượng đi mua hai đôi giày “một đôi con tặng ba, đôi kia để ba tặng mẹ”. Dượng tôi xúc động khi con rể nói chuyện cùng mình với tư cách của một người đàn ông: “Mẹ đã không để chúng con ngoài cuộc khi biết chuyện của ba với cô Nga. Chúng con hiểu, thông cảm cho những xao động nhất thời của ba. Nhưng mọi chuyện đã được giải quyết, cô ấy trở về với chồng con, giờ chỉ còn lại ba thôi”.
Sự mềm mỏng nhưng cương quyết của dì đã kéo dượng qua cơn say nắng, ông tìm thấy đường về nhà đúng lúc nhờ sự bao dung của vợ, chung tay của các con khi ai nấy có ý thức bảo vệ tổ ấm gia đình. Tôi tò mò muốn biết vì sao dì không đánh ghen hay làm ầm ĩ lên, bà chỉ cười “là con người, ai cũng có lúc này lúc nọ con ạ. Còn thương nhau thì chừa một lối cho họ có đường về”.
Theo Lâm Hoàng/phunuonline