Hai vợ chồng tôi đều làm trong nhà nước nên đồng lương khá eo hẹp. Chồng tôi cũng là người tằn tiện nên mỗi tháng anh ấy chỉ giữ lại vài triệu tiêu vặt còn lại đưa cho vợ nuôi con và lo đối nội, đối ngoại.
Các con càng lớn thì chi phí cho việc ăn học ngày càng nhiều. Mỗi tháng chồng tôi đưa cho vợ 12 triệu nhưng khoản tiền đó không không đủ đóng đủ các khoản tiền học thêm của hai đứa, nhất là cả hai đều học cuối cấp thì các khoản học thêm ngày càng nhiều. Cũng may tiền lương của tôi bằng của chồng nên co kéo thì tạm đủ trang trải cuộc sống. Đôi khi hai bên nội ngoại phát sinh thêm các khoản đóng góp, xây dựng nhà thờ họ, xây đường làng… cũng khiến tôi phải đau đầu giật khoản nọ bù khoản kia.
|
Mấy hôm nay chúng tôi căng thẳng, cứ nói đến chuyện tiền nong lại cãi nhau. (Ảnh minh họa) |
Mới đây, chồng tôi nói muốn mua ô tô để tiện về quê và đi đâu cả nhà đỡ phải thuê xe. Anh ấy còn nói bạn bè có ô tô hết mà anh không có nên cũng thấy tự ti. Khi tôi trả lời chỉ có một khoản nho nhỏ để dành khi có việc cũng như lo cho hai bên nội ngoại thì chồng tôi tỏ vẻ thất vọng, anh ấy nói tôi không biết vun vén gia đình. Tiền lương bao nhiêu năm nay anh ấy đưa tưởng tôi tiết kiệm hóa ra chi tiêu phung phí, chồng muốn mua cái ô tô có vài trăm triệu cũng không có.
Thấy chồng nói thế tôi rất buồn mà không biết phải làm thế nào, vì tôi đã rất cố gắng để chi tiêu trong đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng giữa cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội với hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nhưng chồng không biết được điều đó. Mấy hôm nay chúng tôi căng thẳng, cứ nói đến chuyện tiền nong lại cãi nhau. Tôi đề nghị đổi vai trò thì chồng tôi khăng khăng phụ nữ phải lo chợ búa, cơm nước vun vén gia đình.
Tôi không biết phải làm gì để chồng hiểu được việc lo toan quán xuyến trong gia đình tôi đã cố gắng hết sức. Cũng có lúc tôi tự hỏi, hay tôi thực sự là người chi tiêu phung phí như chồng đang nghĩ?
Theo Tiểu Nhi/VOV.VN