Gầy dơ xương cũng bị tiểu đường
Bà Nguyễn Thị Ng. trú tại Thanh Bình, Thanh Oai, Hà Nội sống độc thân, người gầy gò. Cả đời bà Ng chỉ làm lao động chân tay. Cách đây vài tháng, bà Ng thấy mệt mỏi nhưng vì nhà không có tiền nên bà chẳng đi khám ở đâu.
Dưới gót chân của bà có một vết chai, bà Ng. thấy thế cậy cậy ra và chỉ trong vòng 1 ngày vết chai to hơn và mỗi ngày nhìn nó một khác, thậm chí có dịch chảy ra.
|
Người gầy cũng bị tiểu đường. |
Bà Ng. vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám, bác sĩ chẩn đoán tiểu đường và biến chứng bàn chân do tiểu đường nên khuyên bà Ng. vào Bệnh viện Nội tiết trung ương khám và điều trị.
Bà Ng. kể khi bà vào khám ở bệnh viện cơ sở một, bác sĩ đã giới thiệu bà xuống cơ sở 2. Vừa vào phòng thủ thuật, bà Ng. không tin vào mắt mình: Khi bác sĩ cậy lớp da ra là cả mảng thịt đã hoại tử, bốc mùi và ộc ra nhìn rất ghê.
Hoại tử đã ăn vào gần xương nên bà được các bác sĩ tiến hành điều trị ngay, tuy nhiên việc điều trị cũng rất khó khăn bởi vì đây là một trong những biến chứng kinh khủng của tiểu đường, và bệnh nhân phát hiện ra khi đã muộn.
Trường hợp như bà Ng. không phải hiếm ở Bệnh viện Nội tiết trung ương. Từ trước đến nay người ta đều nghĩ chỉ người béo mới dễ bị bệnh này. Tuy nhiên theo các bác sĩ người gầy cũng có nguy cơ bị đái tháo đường tuyp 2 như bình thường.
Ở Khoa Chăm sóc bàn chân của Bệnh viện Nội tiết trung ương, có tới một nửa bệnh nhân gầy gò, thậm chí nhìn họ còn “mình hạc xương mai”. Chẳng ai nghĩ họ mang căn bệnh rối loạn chuyển hoá như thế, chỉ đến khi vào viện, xét nghiệm đường huyết dập dình lên đến 13 – 20 ml/mol. Thậm chí có người vào viện nhận kết quả chẩn đoán tiểu đường họ còn không tin bởi vì họ cho rằng bị bệnh này đi tiểu phải có kiến bu và phải béo tốt mới bị.
Hậu quả của suy dinh dưỡng bào thai
Theo thạc sĩ Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - những người gầy bị tiểu đường ở Việt Nam là do quá trình suy dinh dưỡng bào thai liên quan đến giai đoạn khó khăn trong chiến tranh. Sau chiến tranh, đứa trẻ phải bảo tồn sự sống ở trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Nhưng sau những năm đổi mới, chế độ ăn giàu dinh dưỡng đã tạo ra nguy cơ bị tiểu đường tuyp 2 rất nhiều. Chính vì thế, có những bệnh nhân gầy, mảnh mai nhưng vẫn bị bệnh tiểu đường gõ cửa.
Ngoài ra, các yếu tố dễ bị tiểu đường nữa đó là những đứa trẻ béo phì bị tiểu đường thường do học tập liên tục, không chơi thể thao, ăn thức ăn nhiều năng lượng. "Lấy ví dụ 100 g bơ rất béo, nhìn ít nhưng để tiêu thụ thì phải đi bộ nhanh 20 km. Trẻ ăn rất nhiều bim bim, năng lượng tích lũy trong cơ thể cực kỳ lớn, nếu không có thời gian chơi thể thao thì béo phì là chuyện hoàn toàn dễ hiểu" - bác sĩ Dương phân tích.
Các chuyên gia khuyến cáo, để dự phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá.
Người đái tháo đường nên ăn thành 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày, mỗi bữa một lượng vừa đủ phù hợp với mức đường huyết cần kiểm soát, chế độ vận động và sử dụng thuốc. Bởi vì nếu không kiểm soát tốt đường huyết thì nguy cơ biến chứng của tiểu đường rất lớn, Có thể tăng đường huyết đột ngột dẫn đến hôn mê tiểu đường, suy thận mãn tính phải lọc máu, bệnh tim mạch, đột quỵ…
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):
Theo P.Thuý/Infonet