Cuộc sống với gia đình chồng không bao giờ giống như tưởng tượng của chị em trước khi xuất giá, có lúc xảy ra những vấn đề khiến bạn thật khó có thể xử lý như việc phải đứng giữa chiến tuyến giữa mẹ chồng và em gái chồng.
Tại sao mẹ con ruột lại cãi nhau?
Theo chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh (Học viện Vera), trên thực tế không chỉ mẹ chồng nàng dâu mới có mâu thuẫn mà chuyện đó cũng diễn ra ngay cả với mẹ chồng và em gái, hoặc chị gái chồng. Bởi, cho dù là mẹ con ruột đi chăng nữa, đã là người của hai thế hệ, khó lòng tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn về tư duy.
Mẹ luôn là người luôn muốn dành toàn bộ những điều tốt đẹp nhất bà có cho đứa con thân yêu của mình, bao gồm cả kho kiến thức dân gian, kinh nghiệm bà góp nhặt từ bao đời. Còn con gái, phần ỷ lại vào mẹ mình, phần có tầm nhìn rộng rãi hơn về thế giới quan thông qua các phương tiện đại chúng hiện đại, sẽ có lúc không đồng ý với mẹ mà đưa ra lời phản bác. Dĩ nhiên, vì cô là con ruột nên dù nói gì làm gì đi nữa cũng sẽ dễ dàng thẳng thắn và trực tiếp hơn so với cuộc tranh đấu truyền kỳ giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Khi làm dâu, gặp cảnh mẹ chồng và em chồng hoặc chị chồng có mâu thuẫn, bỗng dưng chị em bị đẩy và tình thế khó xử. Không ít người cũng bị cuốn vào cuộc tranh cãi của hai mẹ con nhà chồng và họ luôn phải đặt ra câu hỏi cần phải ứng xử ra sao cho đúng.
Trong gia đình, tình cảm mẹ con đương nhiên thân thiết hơn tình cảm chị dâu em chồng hay quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Thế nhưng lắm lúc, nàng dâu lại là người được mẹ chồng và em chồng "ưu ái" chọn mặt gửi vàng mà lôi kéo vào cuộc chiến giữa hai người họ.
Tại sao lại cần bạn vào lúc này?
Thật ra trong vấn đề này, chuyện bạn là người đứng giữa, chịu trách nhiệm hòa giải cho hai mẹ con họ và là tấm bia đỡ đạn mà cả hai trưng dụng cũng là có lý do. Bởi trong gia đình, bạn là người duy nhất để mẹ và em chồng có thể nhờ cậy bởi những lý do sau:
Đầu tiên, bạn là người phụ nữ duy nhất còn lại trong nhà để họ nhờ cậy. Bởi lúc này, chồng bạn đã "trốn" đi, bởi đàn ông rất sợ bị lôi vào cuộc chiến của những người phụ nữ.
|
Ảnh minh họa |
Thứ hai, bạn là người có tư duy gần giống với cả hai. Bạn là người đủ từng trải để mẹ chồng tin tưởng và kéo về phía mình làm đồng minh. Mặc khác, tuổi của bạn và em chồng cũng không quá chênh lệch, có thể hiểu được cách suy nghĩ của em ấy, em ấy cũng muốn cho mình thêm một ưu thế. Như vậy đối với cả mẹ chồng lẫn em chồng, bạn đều là người đồng minh phù hợp.
Thứ ba, bạn là người tỉnh táo, hiểu được tâm lý của mẹ và em chồng. Tương tự, bạn vừa trải qua thời kỳ con gái, hiểu được tâm tư của em gái lúc này, lại cũng là người sắp hoặc đã làm mẹ, hiểu được mẹ chồng tại sao lại hành động như vậy. Do vậy, bạn rất phù hợp để làm người can ngăn. Không những thế, bạn đứng ngoài cuộc tranh đấu, bạn có nhiều thời gian hơn để phân tích một vấn đề, và tỉnh táo đưa ra được giải pháp hợp lý.
Tuyệt chiêu giảng hòa mâu thuẫn mẹ chồng và em gái chồng
Khi đứng giữa mẹ chồng và em gái chồng, bạn cần hết sức tỉnh táo, cố gắng vận dụng mọi khả năng để giảng hòa bọn họ, trả lại sự yên bình cho ngôi nhà theo 3 bước sau:
Bước 1: phân tích rõ tình huống
Hãy dùng sự nhạy bén của người phụ nữ phân tích rõ tình huống khiến mẹ chồng và em chồng cãi nhau. Đồng thời đặt bản thân mình vào vị trí của em chồng và mẹ chồng để hiểu được động cơ của hai đối tượng này.
Bước 2: Nhận định đúng sai
Tiếp đến, hãy đưa ra nhận định của bạn về người đúng, người sai trong "cuộc chiến". Lưu ý bạn phải tuyệt đối là phe trung lập, giữ cho mình cái nhìn khách quan nhất mà nhìn nhận vấn đề. Thông thường một cuộc tranh cãi giữa mẹ và con gái không có người đúng hoàn toàn và người sai hoàn toàn, hãy phân tích điểm đúng sai của mỗi người.
Bước 3: Gặp riêng mỗi người, xử dụng nguyên lý "bánh mỳ kẹp thịt"
Bạn cũng có thể gặp hai người cùng một lúc và hòa giải, nhưng nếu gặp riêng và buông lời khuyên nhủ từng người thì sẽ hiệu quả hơn. Hãy phân tích cho người đó thấy họ đúng và không đúng chỗ nào. Hãy mở đầu và kết thúc câu chuyện bằng những điểm đúng của người ấy, trong quá trình trò chuyện thêm vào những điểm người ấy chưa phải, như một ổ bánh mì kẹp thịt, nhiều thịt ở 2 đầu và ít thịt ở giữa. Cuối cùng, hãy khuyên hai mẹ con họ tự gặp nhau làm hòa.
"Chỉ với 3 bước đơn giản, bạn đã có thể xử lý câu hỏi "làm gì khi đứng giữa mẹ chồng và em gái chồng" mà không sợ mất lòng ai cả, lại càng khẳng định vai trò nàng dâu của mình", chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh nói.
Theo Ngân Khánh/ Gia Đình Net