Chi tiết quảng cáo sai sự thật về Kvoimen, Đào Thi khiến Medicom bị phạt nặng

Google News

(Kiến Thức) - Cục ATTP vừa xử phạt Dược phẩm Quốc tế Medicom 100 triệu đồng do 2 hành vi sai phạm trong quảng cáo TPBVSK Kvoimen và Đào thi. Theo tìm hiểu của Kiến thức, hai sản phẩm này còn mắc thêm nhiều sai phạm khác.

Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế vừa xử phạt Công ty Dược phẩm Quốc tế Medicom (trụ sở tại tầng 4, tòa nhà Vimeco Lô E9 đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) 100 triệu đồng vì đã thực hiện 2 hành vi vi phạm, cụ thể: Quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kvoi men và Đào Thi trên các website http://Kvoimen.com và http://daothi.com dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm; và Sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kvoi men và Đào thi trên các website này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kiến thức, trên hai trang web trên, Dược phẩm Quốc tế Medicom còn mắc nhiều sai phạm khác trong quảng cáo sản phẩm TPBVSK Kvoimen và Đào Thi.
Chi tiet quang cao sai su that ve Kvoimen, Dao Thi khien Medicom bi phat nang
Trên website Kvoimen.com, TPBVSK Kavoimen được quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh
Cụ thể, trên website Kvoimen.com, TPBVSK Kavoimen được quảng cáo với công dụng “tăng sinh hormon sinh dục nam, bổ thận tráng dương”, “tăng Testosteron làm chậm quá trình mãn dục ở nam giới”, “tăng ham muốn, thời gian quan hệ”, “tăng cường sinh lực sức bền sinh lí nam, tăng cường nguyên khí, mạnh gân cốt”,… Với những nội dung quảng cáo này có thể thấy rõ sản phẩm Kvoimen đang quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, quy định rõ không được quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Quy định là vậy, nhưng trên toàn trang chủ của website không hề có dòng chữ khuyến cáo này. Ngoài ra, trên website này còn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng là nghệ sỹ Quang Thắng để quảng cáo cho sản phẩm trái quy định.
Trên một trang web khác có địa chỉ http://www.kvoi.net/ sản phẩm Kvoimen cũng được quảng cáo thổi phồng công dụng một cách lộ liễu. Trang web này khẳng định Kvoimen có thể “điều trị tận gốc căn nguyên của yếu sinh lý” với các công dụng tương tự như nội dung quảng cáo trên trang Kvoimen.com
Chi tiet quang cao sai su that ve Kvoimen, Dao Thi khien Medicom bi phat nang-Hinh-2
 
Chi tiet quang cao sai su that ve Kvoimen, Dao Thi khien Medicom bi phat nang-Hinh-3
Quảng cáo khẳng định hiệu quả điều trị trên website Kvoimen.net 
Đối với sản phẩm Đào Thi, mặc dù ngay trên đầu trang có nói sản phẩm Đào Thi “hỗ trợ tăng size ngực hiệu quả”, nhưng trong trang nội dung chính lại khẳng định “Viên uống Đào Thi hiệu quả rõ rệt sau 4 -6 tuần sử dụng”, với công dụng”vòng 1 căng tròn, săn chắc, không còn chảy sệ”, “tăng tiết dịch âm đạo, cải thiện sinh lý, trở lại tuổi xuân”.
Thậm chí trong phần Ý kiến của chuyên gia, còn có thông tin: “Các chuyên gia, bác sĩ cho biết: Khi cần tăng kích thước vòng một, bạn cần sử dụng các sản phẩm hỗ trợ liệu pháp tăng kích thước vòng 1 hiệu quả có các thành phần như Sâm Tố Nữ - Phytoestrogen, Mầm Đậu Nành, Vitamin E ... giúp kích thích sự phát triển của mô ngực, cải thiện nội tiết tố nữ giúp vòng 1 nở nang, săn chắc, giảm tỷ lệ mắc u vú và ung thư vú, tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể làm chậm quá trình lão hoá, làm đẹp da, đồng thời tăng tiết dịch âm đạo và giải quyết vấn đề khô hạn ở nữ giới”. Với các thành phần được nêu rõ trong phần tư vấn của chuyên gia này có thể thấy hoàn toàn là các thảo dược được quảng cáo trong thành phần sản phẩm Đào Thi.
Điều đáng nói trên cả 3 trang web này, đều có đăng hình ảnh Giấy xác nhận đăng ký công bố sản phẩm của Cục ATTP, nhưng chính những hình ảnh, nội dung quảng cáo được thiết kế to, rõ nét, hấp dẫn thị giác người xem khiến cho hình ảnh giấy xác nhận này ít được chú ý. Ngoài ra, trên cả 3 trang web đều không hề có dòng chữ khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Trước sự quảng cáo nhập nhèm, nói vống lên khả năng hỗ trợ điều trị của các TPBVSK Kvoimen và Đào Thi, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng thực sự của sản phẩm này. Kiến thức sẽ tiếp tục tìm hiểu và gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất về hai sản phẩm này để người tiêu dùng có cái nhìn khách quan về sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn.
An Lê