|
Dây chuyền gia công và đóng ống vắc-xin COVID-19 Sputnik-V tại Việt Nam do Vabiotech thực hiện Ảnh: Long Phạm |
Theo đó, Vabiotech cùng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin COVID-19. Công nghệ vắc-xin được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein, tức công nghệ sản xuất vắc-xin tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vắc-xin và công nghệ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng COVID-19. Theo đó, dự án thứ nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Công ty AIC và Công ty Shionogi (Nhật Bản) và vắc-xin theo công nghệ mNRA.
Hiện Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác, đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam (đầu mối là Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) và làm các thủ tục chuyển giao công nghệ (đầu mối là Vabiotech). Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc-xin ra thị trường.
Dự án thứ 2 là chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga.
Hiện đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin Sputnik-V từ bán thành phẩm. Vabiotech đã tiến hành đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến đến 10/8 sẽ có kết quả kiểm định, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Đối với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, hiện Bộ Y tế đã đã cử 1 nhóm chuyên gia phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3 theo quy trình rút gọn, dự kiến khởi động nghiên cứu vào 1/8 và kết thúc cuối tháng 12. Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc-xin tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.
Hai vắc-xin “made in Vietnam” sang giai đoạn mới
Cùng ngày, theo thông tin từ Học viện Quân y, sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a), sáng 27/7, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin Nano Covax tiêm thử nghiệm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên (thuộc đợt 3b). PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên phải khai báo y tế, khám sinh hiệu đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn, thử thai cho nữ tình nguyện viên trong độ tuổi sinh sản, sau đó khám trước tiêm.
Đến nay, cả nước có 2 ứng viên vắc-xin phòng COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Ngoài vắc-xin Nano Covax còn có vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế.
Hiện vắc-xin Covivac đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin giai đoạn 1 cho 120 người tình nguyện từ 18-59 tuổi, với mục tiêu chính là đánh giá bước đầu tính an toàn trên người tình nguyện và lựa chọn 3 công thức phù hợp nhất để chuyển sang giai đoạn 2. Kết quả đánh giá tính an toàn không có biến cố bất lợi nghiêm trọng, biến cố bất lợi chủ yếu ở độ 1, hồi phục nhanh sau tiêm.
Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung vắc-xin
Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đề xuất việc cho phép được đàm phán, tìm nguồn và nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân; xin được giữ lại một phần bằng vắc-xin sau khi đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam.
Trước vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vắc-xin trên thế giới. Đồng thời chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vắc-xin, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm kịp thời, khoa học, an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn và thực hiện thống nhất về tỷ lệ ưu tiên sử dụng vắc-xin đối với các tổ chức, cá nhân đã chuyển tiền tài trợ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam.
Văn Kiên
Theo Hà Minh/Tiền phong