Bà Phạm Vân Thanh (56 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, cách đây 10 năm, cơ thể bà nổi nhiều vết ngứa, da sần lên, nghĩ là dị ứng, nhưng khi đi khám thì phát hiện bị xơ gan mật nguyên phát. Từ đó, chức năng gan cứ yếu dần, dù đã ra cả nước ngoài điều trị.
Đến cuối năm 2017, bà phải vào BV TƯ Quân đội 108 điều trị trong tình trạng suy gan rất nặng.
GS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân suy nhược chỉ còn 34kg, da, mắt đều vàng ươm. Nếu không ghép gan, thời gian sống chỉ tính bằng ngày.
|
Bà Thanh bên cậu con trai Nguyễn Trung Quân |
Suốt thời gian này, Nguyễn Trung Quân (26 tuổi, con trai bà Thanh) luôn ở bên động viên mẹ.
“Cháu luôn động viên mẹ sẽ khỏi, nếu phải ghép gan con sẽ tặng gan cho mẹ. Dù tôi lo lắng nếu không thành công thì ảnh hưởng sức khoẻ của con nhưng cháu kiên quyết. Khi có chỉ định, nhiều anh chị em của tôi cũng lên kiểm tra sức khoẻ nhưng Quân không đồng ý, thay vào đó tự động đi gặp bác sĩ, xin được hiến gan cho mẹ và yêu cầu phải được ưu tiên”, bà Thanh xúc động chia sẻ.
Sau khi kiểm tra các chỉ số hoà hợp, BV 108 thực hiện ca ghép gan cho bà Thanh. Chàng trai 26 tuổi đã đồng ý tặng mẹ toàn bộ lá gan phải (chiếm 2/3 lá gan).
Đến nay sau 4 tháng, bà Thanh cho biết sức khoẻ tiến triển rất tốt, da hồng hào, ăn uống tốt, tăng cân lên gần 40kg.
Về sức khoẻ của mình, Quân cho biết, sau khi hiến 2/3 lá gan vẫn thấy cơ thể khoẻ mạnh bình thường. Hiện anh đã đi tập gym, chơi thể thao và bơi lội trở lại.
Mới đây anh cũng chia sẻ với bạn gái việc hiến gan cho mẹ và sẽ đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não và được bạn gái rất ủng hộ.
Giọng đầy thương yêu, bà Thanh cho biết, con trai mình là người sống rất tình cảm. Từ khi 12 tuổi, biết bố bị suy thận phải chạy thận thường xuyên, Quân đã mong muốn được hiến thận cho bố.
GS Bàng cho biết, với người hiến gan khi còn sống, phần gan mất đi sẽ được các tế bào phát triển bù đắp dần, tái tạo trở lại dù không trở về hoàn toàn như ban đầu. Người trẻ sẽ phục hồi rất nhanh và sức khoẻ hầu như không bị ảnh hưởng.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet