Ở trận tranh siêu cúp quốc gia gặp CLB TP.HCM mới đây, cầu thủ Duy Mạnh đã gặp phải chấn thương nặng và phải rời sân không lâu khi đang thi đấu. Duy Mạnh đã được đưa đi chụp cộng hưởng từ nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương gặp phải. Kết quả ban đầu xác định cầu thủ sinh năm 1996 Duy Mạnh bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước.
Cầu thủ Duy Mạnh phải rời sân khi bị chấn thương. Ảnh Duy Anh
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên (BV Việt Đức) cho rằng, bóng đá là môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh như đang chạy dừng đột ngột, rướn, cơ thể chịu lực tì đè, nén ép hay dễ va chạm với đối thủ… nên rất dễ gặp chấn thương.
Các chấn thương hay gặp phải ngoài chấn thương phần mềm, căng cơ, trật khớp, người chơi dễ gặp phải chấn thương nặng hơn như bị đứt gân, giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối… Trong đó, đứt dây chằng chéo trước là loại tổn thương hay gặp nhất trong các loại chấn thương khớp gối. Dây chằng chéo bị căng, đứt một phần hoặc đứt toàn bộ khiến người bệnh đi lại khó khăn.
Rất nhiều người khi bị đứt dây chằng chéo trước đã phải bỏ dở niềm đam mê thể thao. Với chấn thương của Duy Mạnh, hồi phục dễ dàng hay không còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện, chẩn đoán và phương pháp điều trị đúng. Cùng với đó, việc tuân thủ đúng hướng dẫn tập vật lý trị liệu cũng là yếu tố quan trọng quyết định thời gian lành bệnh. Thời gian ít nhất cũng phải mất khoảng 6 tháng trở lên.
Chấn thương đứt dây chằng như cầu thủ Duy Mạnh cũng từng là nỗi ám ảnh của nhiều cầu thủ khác của tuyển thủ U23 thuộc thế hệ Thường Châu như Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Lương Xuân Trường, Vũ Văn Thanh và Trần Đình Trọng. Các cầu thủ này sau khi bị chấn thương đã mất thời gian dài để hồi phục, tìm lại phong độ thi đấu đỉnh cao cũng là điều khó khăn.
Theo các chuyên gia y tế, dây chằng chéo trước có vai trò quan trọng trong việc làm vững khớp gối. Khi dây chằng này bị tổn thương, sự vững chắc của khớp gối không còn, gối lỏng lẻo dẫn tới việc giảm chức năng. Rất nhiều người khi bị tổn thương dây chằng chéo trước còn kèm theo các tổn thương khác như rách sụn chêm, sụn mặt khớp, bong sụn khớp, tổn thương các dây chằng khác của khớp như dây chằng chéo sau, dây chằng bên... Tổn thương sụn khớp dẫn đến hư khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp. Nếu bị thoái hóa khớp gối thì việc thay khớp gối sẽ phức tạp và tốn kém rất nhiều so với điều trị đứt dây chằng gối.
Tổn thương dây chằng hay gặp hơn ở những người đam mê thể thao nghiệp dư. Bởi vậy, mọi người cần phải cận trọng hơn trong việc tập luyện để tránh những di chứng không đáng có.
Thường những người bị chấn thương dây chằng gối sẽ nghe thấy tiếng kêu "rắc" khi ngã. Sau đó, cơn đau dữ dội không đi được phải nhờ người khác nâng đứng dậy. Khi đó, người bị ngã cần giảm đau bằng cách chườm nước đá và uống thuốc hỗ trợ. Nhiều người chủ quan khi cơn đau giảm dần sau một vài ngày tưởng đã khỏi mà không đi kiểm tra. Điều này dẫn tới việc điều trị muộn.
Để tránh những nguy hiểm, mọi người khi gặp tình trạng này cần đến cơ sở y tế sớm nhất. Khi điều trị bằng thuốc, vật lí trị liệu không có hiệu quả, gối còn lỏng sẽ phải phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước. Hiện kĩ thuật mổ nội soi ở các bệnh viện điều trị đứt dây chằng chéo mang lại nhiều hiệu quả mà bệnh nhân ít đau, mau hồi phục hơn.
Theo P.Thuận/ Giadinh.net