Cho bé mặc nhiều quá
PGS Dũng cho biết, mới đây nhất 1 trường hợp bệnh nhi 1,5 tháng tuổi sống tại ngoại thành Hà Nội viện vì viêm phổi cấp. Theo người nhà bệnh nhi, bé bị sốt 3 ngày trước đã khám ở một phòng khám gần nhà. Bé mỗi lần sốt cao, mẹ và bà bé lại cho uống hạ sốt.
Vì sợ bé ốm lạnh nên mẹ bé mặc cho cháu rất nhiều quần áo, kín mít. Khi vào viện cởi bé ra khỏi chăn quấn còn thêm 3, 4 cái áo len, áo nỉ đủ loại. PGS Dũng cho rằng quan niệm mặc như thế cực kỳ nguy hiểm. Mẹ bé sẽ không quan sát được nhịp thở của bé để biết được tình trạng bệnh.
Sau khi nhập viện, bé được chụp phổi, phổi trên phim chụp trắng xoá vì viêm. Bé phải thở máy nằm 2 tuần mới cai được máy thở. Mẹ của bé thì ân hận do chăm sóc thái quá dẫn đến bé mới hơn 1 tháng đã phải tiêm nhiều kháng sinh vào người.
|
Không nên quấn bé quá chặt - Ảnh minh họa: Internet |
Hay như trường hợp bé Nguyễn H.A. (2 tháng tuổi, Đống Đa, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ, ngủ li bì, bỏ bú. Bé vào viện bác sĩ nghe phổi thì cháu đã viêm phổi nặng.
PGS Dũng cho biết đây không phải là trường hợp hiếm. Trước đó, khoa Nhi cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi. Các bé đều được quấn kín mít thậm chí có cháu vào viện cởi rất nhiều chăn, áo. Lưng và đầu bé ướt đầm do mồ hôi tiết ra.
PGS Dũng cho biết đặc điểm ở trẻ nhỏ viêm phổi thường thở nhanh và có rút lõm ngực. Rút lõm lồng ngực biểu hiện khi trẻ hít vào 1/3 ngực dưới của trẻ rút lõm vào.
Triệu chứng này đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ viêm phổi nặng từ 2 tháng đến 1 tuổi. Nếu có dấu hiệu này, cha mẹ cần nghĩ ngay trẻ bị viêm phổi và nhanh chóng đưa tới bệnh viện.
Tuy nhiên, vì nhiều bé mặc kín quá nên không thể quan sát được rút lõm ở ngực để phát hiện dấu hiệu sớm nhất của viêm phổi.
Nhiều bà mẹ nghĩ chỉ khó thở, khò khè mới là dấu hiệu của viêm phổi, đây là quan niệm sai lầm vì dấu hiệu này thường ở trẻ lớn, trẻ nhỏ đặc biệt dưới hai tháng tuổi để quan sát trẻ có viêm phổi không thì phải nhìn vào nhịp thở của bé.
Các bé sốt hay bình thường cũng mặc nhiều đồ, quấn chăn, quấn khăn kín quá sẽ không theo dõi được dấu hiệu của viêm phổi này khiến trẻ bị viêm phổi nặng, li bì mới cho đến viện.
Chăm sóc trẻ sốt như thế nào?
PGS Dũng cho biết sốt là phản ứng của cơ thể với các tác nhân bên ngoài. Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 36,5 độ C đến 37 độ C, khi nhiệt độ lên tới 37,5 độ C – 38 độ C được coi là sốt nhẹ, từ 38 – 39 độ C trẻ sốt vừa, 39-40 độ C trẻ sốt cao và trên 40 độ C là sốt rất cao.
Nguyên nhân của sốt có thể do nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi rút tại các cơ quan như hệ hô hấp, tiêu hóa, sinh dục – tiết niệu, nhiễm kí sinh trùng, các bệnh lý tự miễn hoặc ung thư.
Để xác định bé có sốt không, mẹ bé có thể đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí: tai, trán, miệng, nách, hậu môn. Mức chênh lệch nhiệt độ giữa các vị trí: Nhiệt độ đo được ở nách thấp hơn nhiệt độ ở miệng và hậu môn khoảng 0,3 à 0,5 độ C. Vì vậy, khi nhiệt độ ở nách trên 37,2 độ C thì coi đó là sốt.
Khi trẻ bị sốt cần trẻ ở phòng thoáng, tránh gió lùa, bỏ bớt quần áo. Có thể chườm bằng nước ấm khoảng 37 độ. Cho trẻ uống nhiều nước và bú nhiều, giữ vệ sinh ăn uống, đồ dùng cho trẻ.
Việc dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ, thông thường có thể sử dụng Efferagan loại bột, viên đút hậu môn, viên nén hàm lượng 80-150-250 mg (tính theo cân nặng 10-15mg/kg).
PGS Dũng cho biết khi trẻ có dấu hiệu nặng hơn cần cho trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất. Khi đó, bác sĩ có thế sẽ kê đơn kháng sinh, bởi lúc đó có thể bé đã bị bội nhiễm vi khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ phải đúng nguyên tắc nghiêm ngặt mới có hiệu quả trong điều trị.
Theo Bảo Lâm/PNSK