Kể từ khi bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng của thuốc thảo dược.
Ở Trung Quốc đại lục, nơi có khoảng một nửa số bệnh nhân trong hệ thống y tế quốc gia được điều trị bằng thảo dược, các bác sĩ đã báo cáo rằng liệu pháp kết hợp Tây y và thảo dược làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tỷ lệ tử vong và tác dụng phụ.
Nghiên cứu của giáo sư Đại học Nam Kinh
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất, tất cả 58 bệnh nhân tại một bệnh viện công ở Quảng Châu đã hồi phục và không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong liên quan đến các bệnh nhân tại địa phương cũng đề xuất phương pháp điều trị bằng thảo dược như một biện pháp phòng ngừa SARS an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng, theo thông tin trên trang web của WHO.
Một nghiên cứu của Zhang Chenyu, giáo sư Đại học Nam Kinh, đã giải quyết được một phần của vấn đề. Trong một bài viết mang tính bước ngoặt được công bố trên tạp chí Cell Research năm 2014, nhóm của Zhang đã phát hiện ra rằng cây kim ngân có thể loại bỏ virus cúm A ở chuột một cách hiệu quả.
|
Cây kim ngân hoa. |
Cây hoa chứa một số phân tử nhỏ, đặc trưng của vật liệu di truyền được gọi là mARN có thể liên kết với chủng virus và làm chậm sự nhân đôi của nó trong gene của con người. Trước nghiên cứu này, người ta tin rằng các vật liệu di truyền ở thực vật rất mỏng manh và dễ dàng bị phá hủy bởi các yếu tố môi trường.
Nhưng nghiên cứu của Zhang cho thấy những đoạn mARN thực vật này có thể vẫn còn gần như nguyên vẹn sau khi được đun sôi - một quy trình bắt buộc khi chuẩn bị thuốc thảo dược - và chúng có xu hướng tập trung trong phổi của chuột. Các thí nghiệm điều trị thảo dược đã làm tăng hơn gấp đôi tỷ lệ sống của chuột.
Các nhà khoa học Trung Quốc ngày nay được trang bị công nghệ tiên tiến để chống lại virus corona. Vài ngày sau khi công bố trình tự bộ gene đầy đủ vào tháng trước, một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Hoa tại Thượng Hải đã tạo ra một danh sách khoảng một tá thảo dược có thể ức chế virus bằng cách mô phỏng trên máy tính cách những thảo dược này tương tác với chủng virus.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã khai thác Trung tâm bức xạ Synchrotron Thượng Hải, một trong những nguồn sáng đắt tiền và tiên tiến nhất thế giới, để nghiên cứu cấu trúc thực tế của virus nhằm tìm manh mối cho một liệu pháp điều trị thành công.
Cũng rất khó để nói chính xác các loại thảo mộc có tác dụng đến như thế nào; vì trong hầu hết các trường hợp, chúng được dùng bởi bệnh nhân bên cạnh các loại thuốc Tây y, và một số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật như phổi nhân tạo.
Những người ủng hộ thảo dược đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã trải qua hơn 320 lần chiến đấu bệnh dịch được ghi nhận kể từ thời nhà Hán hơn 2.000 năm trước. Các bác sĩ Trung y đã tích lũy kiến thức và kinh nghiệm phong phú từ những cuộc chiến này để áp dụng vào y học ngày nay.
Thực tế cho thấy, các đại dịch ở Trung Quốc không gây ra tỷ lệ tử vong cao như một vài dịch bệnh ở châu Âu, chẳng hạn như thời điểm Cái chết đen ở thế kỷ 14, đã quét sạch 60% toàn bộ dân số châu Âu. Bác sĩ Tu Youyou, người đã giành giải thưởng Nobel về thuốc sốt rét artemisinin cứu sống hàng triệu người, đã lấy ý tưởng từ một loại cây được sử dụng trong các công thức thảo dược truyền thống.
Các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus corona
Gần đây, những ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc được xuất viện gây chú ý khi những người này nằm trong số các bệnh nhân đầu tiên bình phục hoàn toàn nhờ được điều trị kết hợp giữa Tây y và Trung y. Đó là hai ca tại Lật Dương, tỉnh Hồ Nam; ba ca khác tại Hạch Bích, Hà Nam; và hai ca nữa ở Hàng Châu, Chiết Giang
Ở Trung Quốc, mỗi tỉnh có quyền đưa ra chính sách điều trị của riêng mình. Hồ Bắc cho đến gần đây không điều trị thường quy cho bệnh nhân bằng các phương thuốc thảo dược. Theo thống kê, chưa đến một phần ba bệnh nhân ở Hồ Bắc được cho dùng thuốc thảo dược, so với gần 90% tại các vùng khác ở Trung Quốc.
Điều này khiến lực lượng đặc nhiệm chống dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc tại Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc, gửi một chỉ thị khẩn cấp vào thứ ba tuần trước tới tất cả các cơ quan và bệnh viện liên quan đến chống dịch corona, cho họ 24 giờ để đảm bảo trà thảo dược được cung cấp cho tất cả các ca nhiễm và nghi nhiễm. "Sự vắng mặt của y học cổ truyền đã ảnh hưởng đến kết quả của những nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân", công văn có đoạn.
|
Một số bác sĩ sử dụng thuốc y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Xinhua |
Chỉ thị này phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các chuyên gia y tế Trung Quốc, cho rằng thuốc thảo dược có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus corona.
Tính đến ngày 19/2, dịch đã giết chết hơn 2.000 người, hầu hết ở Hồ Bắc. Số lượng bệnh nhân quá nhiều đã gây áp lực rất lớn lên đội ngũ y bác sĩ cũng như nguồn lực y tế của tỉnh. Tuy nhiên, việc thiếu các phương pháp điều trị bằng thảo dược cho những bệnh nhân ban đầu chỉ có triệu chứng nhẹ cũng có thể là một lý do.
Trong khi đó, tỉnh phía nam Quảng Đông và ven biển Chiết Giang cũng có số lượng bệnh nhân cao chỉ xếp sau Hồ Bắc. Bệnh nhân được cho uống thảo dược để giảm triệu chứng ngay cả trước khi xét nghiệm dương tính với virus.
Liệu các loại thảo mộc có thể tiêu diệt virus hay không vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới khoa học. Virus rất khó tiêu diệt vì nó không sống như một sinh vật độc lập giống như tế bào vi khuẩn. Khi vào cơ thể, nó tiêm mã gene lạ vào tế bào của cơ thể người bệnh và nhân đôi nhanh chóng, gây ra các tổn thương đến sức khỏe con người.
Một nguyên tắc vàng trong liệu pháp chữa trị thảo dược là bác sĩ phải gặp bệnh nhân. Trong số các chuyên gia hỗ trợ y tế đầu tiên đến Vũ Hán sau khi dịch bệnh bùng phát, có các bác sĩ y học cổ truyền nổi tiếng và có uy tín bậc nhất Trung Quốc như là Tong Xiaolin, Huang Luqi và Zhang Boli.
Họ đã dành nhiều ngày đêm trong các khu vực cách ly để kiểm tra mạch của bệnh nhân, kiểm tra tình trạng thể chất của họ, đặt câu hỏi và cập nhật các công thức thảo dược cho bệnh nhân trong các giai đoạn phát triển bệnh khác nhau.
Trên mạng xã hội ở Trung Quốc, tin tức về những nỗ lực của các bác sĩ y học cổ truyền đã được chào đón bằng cả lời khen ngợi và sự khinh miệt. Trong khi nhiều người ủng hộ việc sử dụng các loại thảo mộc dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ, một số người vẫn rất hoài nghi, thậm chí bài trừ.
"Tại sao các bác sĩ Đông y không thể im lặng và để các bác sĩ Tây y thực hiện công việc của họ?", một người nói trên Weibo.
Một bác sĩ ở Bắc Kinh, người được báo cáo về công tác y tế ở Vũ Hán, cho biết các bác sĩ tuyến đầu thích sử dụng thuốc Tây y một phần vì cơ chế và tác dụng phụ của chúng đơn giản và được nghiên cứu sâu hơn. Ngược lại, công thức thảo dược đôi khi chứa hàng chục thành phần, một số trong đó còn rất xa lạ với khoa học hiện đại.
Các loại thuốc kháng virus cần can thiệp vào gene của con người để quét sạch virus bên trong, và ý kiến chủ đạo của các nhà sinh học ngày nay là thực vật không có khả năng như vậy.
Nhưng thực tế có rất nhiều số liệu ủng hộ cho tính hiệu quả của các loại thảo mộc trong điều trị kháng virus. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thu được một số kết quả ban đầu đầy hứa hẹn từ các quan sát lâm sàng.
Ông Zhang Boli, người cũng là thành viên của hội đồng chuyên gia quốc gia tư vấn cho chính phủ, nói trong họp báo tuần trước: "Một nhóm điều trị tại Quảng Châu đã điều trị cho hơn 50 bệnh nhân và sau đó không có ai xuất hiện triệu chứng nào nghiêm trọng. Tại Thượng Hải, bệnh nhân được điều trị kết hợp thường mất bảy hoặc tám ngày để kiểm tra âm tính [đối với virus corona]. Nếu không có thuốc thảo dược thì có thể mất hơn 10 ngày."
Vào thứ tư tuần trước, một số nhà máy lớn ở Hồ Bắc đã đi vào hoạt động để sản xuất đồ uống thảo dược cho những người bị cách ly. Đồ uống được đun sôi và phân phối trong bao bì nhựa. Một nhà máy ở Vũ Hán có thể đáp ứng mức tiêu thụ hàng ngày của 30.000 bệnh nhân.
PV