Chỉ biết là đồ Trung Quốc
Ngày 14/1/2014, nằm co ro trên giường bệnh sau 5 ngày điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia, chị T. cho biết, chị vốn bị bệnh khớp nên thường xuyên đau nhức. Giải pháp dùng túi chườm vào mùa đông đối với chị khá hữu hiệu vì nó làm giảm rất nhiều sự bứt rứt khó chịu, giúp chị ngủ ngon hơn. Cái túi chườm gây bỏng chị mua đã hơn một năm nay, được người bán nói xuất xứ từ Trung Quốc, mọi ngày chị dùng không sao.
Không ngờ vào tối 16/12/2013, khi chị đang ủ chân tay với túi chườm thì túi phát nổ, tiếng nổ rất to khiến theo phản xạ chị ngồi nhổm lên. Sau đó, chị thấy vùng mông, hông và tay đau rát. Lúc đó chị mới biết là bị bỏng.
Chị T. không nhớ loại túi chườm chị dùng là của hãng nào, chỉ biết là của Trung Quốc, chị mua ở quê. Chồng chị sau đó vì "bực cái túi chườm" nên đã ném xuống sông. Sau gần một tháng chữa trị ở quê không hiệu quả, chị phải lên Viện Bỏng Quốc gia để điều trị tiếp.
|
Bệnh nhân T. đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. |
Theo lời chị T., sau khi chị bị bỏng do nổ túi chườm, quanh nhà chị nhiều người "chờn" với loại túi ủ ấm này; có nhà vứt đi tới 3 - 4 túi. Một người họ hàng của chị ở miền Nam cũng cho biết, trong này nhiều người bỏng túi chườm lắm. Đồng thời, chị cũng được nghe kể thêm về nhiều câu chuyện "rùng rợn" do bỏng túi chườm như: Có nhà để túi chườm trong nhà, đang đứng cách xa 3 - 4m thì túi chườm phát nổ, may không ai làm sao... Nghe câu chuyện của chị T., một số bệnh nhân cùng phòng cũng hưởng ứng. Anh Nguyễn V.Đ. (ở Ninh Bình) cho biết, việc bỏng túi chườm ở quê anh đã xảy ra rất nhiều...
Bệnh nhân phải ghép da
Theo BS Lâm Đan Chi, Khoa Bỏng người lớn, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., các bác sĩ không xác định rõ vết bỏng là do túi chườm hay do cái gì, nhưng quan sát thực thể thì bệnh nhân đã bị bỏng dẫn tới hoại tử một phần cơ thể, phải cấy ghép da. Bệnh nhân đến viện khi đã chữa tại nhà và bệnh viện địa phương, có đắp thuốc Nam. Vết thương cho thấy, bệnh nhân bị bỏng đã lâu và cách xử trí cấp cứu ban đầu chưa đúng.
BS Lâm Đan Chi cho biết, khi bị bỏng, cần xả nước lạnh, băng ép rồi đến viện gần nhất. Nếu có điều kiện thì đến viện có chuyên khoa bỏng. Tại nhà, nên có sẵn thuốc xịt Panthenol (có bán tại các hiệu thuốc) để xịt vào vết bỏng, sau đó, tùy tình trạng mà đưa đi cấp cứu tiếp hay không. Trong trường hợp cấp bách không có ngay nguồn nước sạch, nhất là trong trường hợp bỏng axit, thậm chí nhảy xuống ao nước bẩn cũng làm dịu vết bỏng. Việc cấp cứu không đúng cách có thể làm vết bỏng có khi nông trở thành sâu, gây khó chữa trị.
Theo BS Lâm Đan Chi, bệnh nhân T. không nói với bác sĩ là bị bỏng do túi chườm, nhưng nếu đúng thì là điều đáng lo, bởi trời lạnh, túi chườm hiện đang được dùng rất rộng rãi. Không rõ trong túi chườm có chất gì, nhưng khi bệnh nhân nói túi bị nổ và bỏng nhiều vùng cơ thể như vậy, mọi người khi dùng túi chườm nên thận trọng.
Lâm Nhi