Các nhà khoa học vừa phát hiện ra rằng những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ REM có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh Parkinson (rối loạn thoái hoá hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ thể) hoặc bệnh mất trí nhớ.
REM là giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, là giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ. Có thể coi rối loạn giấc ngủ REM là dấu hiệu cảnh báo sớm cho các bệnh này.
|
Ảnh minh họa. |
Rối loạn giấc ngủ REM hiếm gặp này thường là những giấc mơ liên quan đến bạo lực. Người trải nghiệm giấc mơ này la hét, đấm đá trong lúc ngủ, thậm chí rơi khỏi giường trong cơn tức giận từ giấc mơ.
Chuyên gia thần kinh học John Peever, Đại học Toronto, Canada đã phát hiện ra rằng 80% người gặp rối loạn giấc ngủ REM mắc bệnh liên quan đến thần kinh sau đó.
Nghiên cứu của Giáo sư Peever phát hiện ra rằng một nhóm tế bào trong bộ não có trách nhiệm duy trì giấc ngủ REM. Khi anh tách các tế bào này ra và bật - tắt các tế bào này thì có thể điều khiển giấc ngủ từ REM chuyển sang không REM.
Peever phát hiện rằng ở bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ REM thì những tế bào này bị tổn thương.
“Vì lý do nào đó, những tế bào ở vùng giấc ngủ REM bị tổn thương đầu tiên, sau đó bệnh thoái hoá thần kinh lan truyền lên não và tác động đến các vùng khác gây ra các chứng bệnh rối loạn như Parkinson”, Giáo sư thần kinh học Peever lý giải.
“Rối loạn giấc ngủ REM là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh Parkinson”, Giáo sư Peever khẳng định.
Dù kết quả nghiên cứu của Giáo sư Peever chưa được kiểm chứng, nhưng đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra sự kết nối giữa rối loạn giấc ngủ và bệnh thần kinh.
Hai nghiên cứu thực hiện năm 2013 chỉ ra rằng hơn 80% bệnh nhân rối loạn giấc ngủ REM xuất hiện các bệnh rối loạn tâm thần chỉ trong vòng 10 năm sau. Trong số 43 bệnh nhân rối loạn giấc ngủ REM trong nghiên cứu năm 2010, 41 người sau đó đã mắc bệnh tâm thần.
Nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng 90-100% bệnh nhân mắc MSA từng bị rối loạn giấc ngủ REM trước đó. MSA là bệnh rối loạn thoái hoá thần kinh ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh điều khiển huyết áp, nhịp tim và chức năng bàng quang.
Giáo sư Peever hi vọng rằng các nghiên cứu sâu hơn sẽ tìm ra thuốc và liệu pháp chữa trị cho các bệnh nhân mắc rối loạn giấc ngủ REM.
“Chuẩn đoán và chữa trị rối loạn giấc ngủ REM sẽ tránh nguy cơ tiến triển thành các bệnh thần kinh”, giáo sư Peever nói.
Theo Kim Minh/Vietnamnet