|
Đái tháo đường đứng thứ 3 về bệnh lý có nguy cơ tử vong. Ảnh: m_t_elgassier.
|
Dù ảnh hưởng tới tới sức khỏe, thậm chí có nguy cơ tử vong, hiện vẫn còn rất nhiều người mắc đái tháo đường nhưng không biết hoặc chưa được kiểm soát tốt.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đái tháo đường hay tiểu đường là căn bệnh có diễn biến âm thầm nhưng rất nguy hiểm, khiến nhiều người chủ quan.
Phát hiện sớm tiền đái tháo đường để chữa khỏi hoàn toàn
Theo BS Yên, tiền đái tháo đường được hiểu là yếu tố nguy cơ chính trong việc phát triển bệnh đái tháo đường loại 2. Tuy nhiên, không giống bệnh đái tháo đường loại 2 toàn phát, tiền đái tháo đường có thể được chữa khỏi.
“Tiền đái tháo đường là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường, bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói hoặc rối loạn dung nạp glucose (RLDNG), tăng HbA1c”, vị chuyên gia cho hay.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và đái tháo đường loại 2. Khoảng 5-10% người mắc tiền đái tháo đường diễn biến thành đái tháo đường hàng năm và 70% người tiền đái tháo đường sẽ mắc đái tháo đường thực sự.
|
BS Nguyễn Thu Yên khám cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: LH.
|
Tình trạng tiền đái tháo đường liên quan các yếu tố nguy cơ như bệnh đái tháo đường, bao gồm thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực...
Về mặt điều trị, mục đích trong giai đoạn này là đưa glucose huyết trở về bình thường; ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình diễn biến thành đái tháo đường; ngăn chặn và làm giảm các biến chứng do tăng glucose huyết.
Đồng thời, việc điều trị cũng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.
Một số phương pháp điều trị tiền đái tháo đường có thể nhắc tới là:
Thay đổi lối sống: Giảm cân và giữ cân nặng ở mức cho phép. Tuân theo kế hoạch ăn uống lành mạnh. Tăng hoạt động thể lực. Không hút thuốc lá.
Điều trị bằng thuốc.
Phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Tuy nhiên, khó khăn đối với bệnh nhân đái tháo đường là hầu như không có triệu chứng cơ năng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao, bệnh nhân sẽ xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo như:
Khát nước, uống nhiều nước.
Số lần đi tiểu tăng, lượng nước tiểu nhiều.
Cân nặng sụt giảm.
Dễ cảm thấy mệt mỏi.
Mắt mờ, tầm nhìn bị giảm.
Tê tay chân, chân đau khi đi bộ.
Mất khả năng cương dương…
Lo ngại trong điều trị đái tháo đường
Trên thực tế thời gian qua, rất nhiều người bệnh đái tháo đường lo ngại việc dùng thuốc tân dược trong điều trị bệnh lý này lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu tới gan, thận.
“Những thuốc điều trị đái tháo đường, để có thể xuất hiện trên thị trường, đều cần trải qua nhiều nghiên cứu với nhiều pha lâm sàng (giai đoạn). Đồng thời, chúng phải phải chứng minh được lợi ích cũng như tính an toàn cho người bệnh”, BS Yên giải thích.
Theo đó, những thuốc điều trị đái tháo đường hiện được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam đều là những thuốc được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép và sử dụng ngay tại quốc gia phát triển và rất "khó tính" này.
Do vậy, BS Yên nhận định việc bệnh tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của thuốc.
Ngược lại, bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hôn mê do tăng đường huyết, suy thận mạn, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, phải cắt cụt chi...
BS Yên nói thêm: “Bên cạnh tác dụng hạ đường huyết, một số thuốc điều trị đái tháo đường còn có thêm những lợi ích như bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận ở người đái tháo đường đã có biến chứng thận, giảm biến cố tim mạch trên bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm…”.
Chủ động theo dõi đường huyết tại nhà
Liên quan vấn đề đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường, một trong những phương pháp quan trọng là theo dõi lượng đường huyết ngay tại nhà thay vì chủ quan và phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm tại bệnh viện.
|
Việc tự đo đường huyết tại nhà có vai trò quan trọng với sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya.
|
Theo BS Yên, mẫu xét nghiệm sinh hóa hay đường máu mao mạch thông thường mỗi tháng bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chỉ có thể cho biết lượng đường máu của bệnh nhân tại một thời điểm. Tuy nhiên, kết quả này không phản ảnh được đường huyết hàng ngày ở nhà trong suốt một tháng.
“Có nhiều yếu tố khiến cho kết quả đường máu tại ngày đi khám bệnh của bệnh nhân bị sai lệch như khi chúng ta nhịn đói quá lâu, đường máu có thể xuống thấp hoặc tăng lên do phản ứng của cơ thể. Mặt khác, khi chúng ta căng thẳng hoặc đêm hôm trước mất ngủ, lượng đường cũng có thể tăng cao…”, vị chuyên gia lưu ý.
Lúc này, việc thử đường huyết tại nhà cho bệnh nhân và gia đình biết chính xác đường huyết ở nhiều thời điểm trong ngày hoặc khi có các biểu hiện bất thường, qua đó giúp xác định kịp thời các biến chứng tăng đường huyết cũng như hạ đường huyết.
Ngoài ra, việc tự theo dõi đường máu tại nhà cũng giúp hướng dẫn người bệnh cách ăn uống, tập luyện, điều chỉnh lối sống, từ đó tuân thủ điều trị hơn.
BS Yên lưu ý thêm: “Việc ghi lại nhật ký đường huyết của mình và mang đến khi đi khám cũng sẽ giúp các bác sĩ có thêm thông tin, từ đó điều chỉnh liều thuốc hiệu quả hơn”.
Vị chuyên gia khuyến cáo các thời điểm nên theo dõi đường huyết tại nhà là trước các bữa ăn, sau ăn các bữa từ một đến 2 giờ, trước khi ngủ buổi tối và khi nghi ngờ có hạ đường huyết.
Tùy mức độ ổn định của đường huyết và giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân về tần suất theo dõi đường huyết tại nhà.
Song song với đó, khi có những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh đái tháo đường cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Nếu không điều trị bệnh đái tháo đường hoặc không được điều trị thích hợp, các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Theo Quốc Toàn/ Zing