Thông tin trên được TS Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em do Bộ Y tế tổ chức sáng 28/7.
TS Khoa cho biết ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư đứng hàng thứ 2 ở nữ giới. Dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung là một trong những vai trò quan trọng của chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.
Mỗi năm, Việt Nam có trên 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2.500 phụ nữ đã tử vong vì căn bệnh này. Theo thống kê, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao nhất ở TP.HCM là 26/100 nghìn dân. Tại Hà Nội là 6,5/100 nghìn dân. Trung bình của cả nước là 13,6/100 nghìn dân.
Trong đó, TS Khoa cho biết nhiễm virus HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung trong đó tuyp 16 và 18 là phổ biến. Hơn 70 % phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung là do tác nhân virus HPV tuyp 16 và 18.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Dự phòng chủ động bằng cách tiêm vắc xin phòng HPV cho thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi được khuyến cáo, càng sớm càng tốt, tốt nhất trước khi trẻ có lần giao hợp đầu tiên.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ gái trong độ tuổi 9 - 26 tuổi. Một số nước trên thế giới đã có khuyến cáo tiêm cả cho trẻ trai độ tuổi này.
Tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng chủ động nhằm phòng ngừa lây nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, từ đó phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV. Việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.
Tuy nhiên, TS Khoa cho rằng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung hiện nay vẫn còn khá đắt đỏ giá từ 1,5 tới 2 triệu đồng/mũi tiêm không phải gia đình nào cũng tiếp cận được với vắc xin để tiêm cho con em họ đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng miền núi.
|
Ảnh minh hoạ. |
Ngoài tiêm vắc xin phòng HPV, việc sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung là cách dự phòng rất tốt.
Tỷ lệ tiền ung thư cổ tử cung ở chị em phụ nữ từ 30 tuổi tới 54 tuổi chiếm 4,8 % (nghiên cứu tại Hải Phòng và Cần Thơ với hơn 4000 chị em phụ nữ) Có nhiều phương pháp sàng lọc đã được Bộ Y tế hướng dẫn: nghiệm pháp V.I.A/V.I.L.I; xét nghiệm tế bào âm đạo - cổ tử cung (PAP’smear, Thinprep…); xét nghiệm định tính/định type virus HPV.
Có thể thực hiện một trong các phương pháp sàng lọc này hoặc phối hợp nhiều phương pháp tùy từng trường hợp.
Điều đáng nói là các phương pháp sàng lọc này khá đơn giản, chi phí không quá cao, thực hiện lấy mẫu đồng thời với quá trình khám phụ khoa thông thường. TS Khoa đưa ra tín hiệu đáng mừng đó là tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam đã giảm hơn. Theo thông tin từ WHO, hàng năm trên toàn cầu có gần 42 triệu ca phá thai (trong đó các nước phát triển gần 8 triệu ca; các nước đang phát triển là gần 38 triệu).
Hiện tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta giảm mạnh từ 37 ca trên 100 ca sinh đẻ (2005) xuống còn 10 ca (2021). So sánh với giai đoạn 1990-1995, trung bình cứ 1 ca đẻ thì có 1 ca phá thai, hiện nay 10 ca đẻ mới có 1 ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400 nghìn ca (năm 2010) xuống dưới 200 nghìn ca (2019).
Ngoài ra, các tai biến do nạo phá thai cũng giảm hơn nhiều do chúng ta đã quản lý được các cơ sở phá thai chui, bất hợp pháp.
Tỷ lệ mang thai vị thành niên cũng giảm. Theo đó, năm 2010, Việt Nam có trên 62 nghìn ca mang thai ở tuổi vị thành niên (2,9%) năm 2019, con số này giảm xuống còn 55 nghìn ca (chiếm 2,4%).
Tỷ lệ phá thai vị thành niên có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2010, có gần 9.100 ca nạo phá thai, năm 2019 con số này còn 2.300 ca.
Theo Khánh Chi/Infonet