Căn bệnh khiến Sulli tự tử ở tuổi 25 kinh khủng tới mức nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, ngôi sao trẻ của Hàn Quốc Sulli được phát hiện đã tự sát tại nhà riêng. Theo những người bạn của cô Sulli đã có thời gian dài bị trầm cảm, căn bệnh cực kỳ kinh khủng hơn cả ung thư.

Chiều 14/10, Suli tự tử qua đời tại nhà riêng khi chỉ mới tròn 25 tuổi. Trước đó, nữ ca sĩ Hàn Quốc cũng có một thời gian dài bị trầm cảm, căn bệnh cực kỳ kinh khủng.
PGS, TS Tô Thanh Phương – nguyên Phó Giám đốc, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết hiện nay bệnh trầm cảm phố biến ở dân cư. Theo thống kê của thế giới, có tới 20% dân số bị trầm cảm trong đó có 5% số người bị trầm cảm thể nặng hoang tưởng, ảo thanh xui khiến, lo âu, buồn bực và có xu hướng tìm đến cái chết.
Can benh khien Sulli tu tu o tuoi 25 kinh khung toi muc nao?
Năm 2017, có tới gần 40.000 người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam. Ảnh: Internet. 
Hầu như các bệnh nhân trầm cảm đều muốn tìm đến cái chết. TS Phương nhấn mạnh không có đau đớn nào bằng đau đớn của bệnh trầm cảm. Người bị ung thư họ đau nhưng cố gắng để sống còn người bị trầm cảm chỉ muốn tìm đến cái chết.
TS Phương cho biết hầu như các bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm chỉ khi đã có những biểu hiện rõ ràng, nặng nề, do đó rất khó chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch Mai, năm 2017 số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người. Báo cáo cũng cho biết thêm, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn tâm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khiến việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới có gần 300 triệu người mắc trầm cảm. Trong đó Nhật Bản có khoảng 3% dân số, con số này tại Mỹ là 17%.
Một thống kê khác cho thấy có đến 6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi.
Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.
Đặc biệt thời gian gần đây các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Đáng nói là một bộ phận thanh thiếu niên thường lạm dụng rượu, thuốc lá, chất kích thích như một cách giải tỏa cho những rối loạn tâm thần. Điều này không những không cải thiện được sức khỏe mà còn khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng, thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm với xã hội.
Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.
Can benh khien Sulli tu tu o tuoi 25 kinh khung toi muc nao?-Hinh-2
Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. 
Một trong những nguyên nhân thường thấy ở người trẻ bị trầm cảm là do những áp lực trong học hành, công việc và hoàn cảnh gia đình.
Dấu hiệu trầm cảm
PGS.TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, trầm cảm là một rối loạn phổ biến, đây không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.
Trong đó phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18-45, tỉ lệ ở phụ nữ lớn gấp đôi nam giới. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, trầm cảm sẽ được chữa khỏi.
Ngày càng nhiều người ở lứa tuổi rất trẻ tự sát vì trầm cảm. Do đó, cần phát hiện sớm triệu chứng bệnh, đi khám đúng chuyên khoa, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai), có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa bởi từ các dấu hiệu, họ thường đến bác sĩ nội, bác sĩ đa khoa để khám.
Các dấu hiệu của trầm cảm: nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi.
Người bệnh mất thích thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần vợ gần chồng, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm. Ăn ít, không ngon, nhạt miệng.
Trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe, đầu óc khó tập trung, do dự không "quyết" được, không đối phó được.
Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết. Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận. Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc.
Người bệnh tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người ta, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm đến cái chết.
Mặc dù hầu hết các trường hợp trầm cảm, kể cả bệnh trầm cảm nặng, đều có thể kiểm soát hiệu quả với điều trị nhưng nhiều người lại trì hoãn. Chỉ có khoảng 1/3 số người bị trầm cảm được điều trị. Thông thường, người bệnh chung sống với trầm cảm trong suốt một thập kỷ trước khi điều trị. Tuy nhiên cũng như mọi bệnh lý khác, trầm cảm càng được điều trị sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao.
Thảo Nguyên (TH)