Tại khoa Cấp tính nữ - Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1989, ở Hải Hậu, Nam Định) khiến nhiều người ái ngại bởi cân nặng, ngoại hình chỉ như đứa trẻ 6 tuổi.
Mẹ chị Hòa cho hay con gái có các biểu hiện tiêu cực, lạ lẫm từ khi sinh xong đứa con đầu như hay rón rén khó hiểu, rửa ráy liên tục, lẩm bẩm một mình, không chịu ăn uống. Trong khi đó, chị Hòa vẫn yêu chồng thương con nên gia đình ít để ý.
Đến khi chị Hòa mang bầu đứa bé thứ hai, những biểu hiện này ngày càng nặng dần. Sau khi sinh xong đứa thứ 2, cơ thể chị Hòa suy nhược trầm trọng, từ 57 kg, chỉ còn 24 kg. Lúc này, gia đình mới đưa chị đi viện.
TS.BSCC, Phó giám đốc, Trưởng khoa Cấp tính nữ Tô Thanh Phương, cho hay: “Bệnh nhân Hòa là một ca bệnh điển hình của chứng trầm cảm sau sinh, nhập viện điều trị gần một tháng. Khi vào viện, Hòa trong trạng thái chống đối hoàn toàn, không ăn, không nói, không hợp tác. Chúng tôi phải dùng biện pháp cho ăn qua ống xông, cho thuốc nghiền vào sữa. Sau 2-3 ngày, bệnh nhân mới hợp tác. Hiện tại, bệnh nhân không dùng thuốc, chỉ kích từ. Tình trạng đang tiến triển khả quan”.
|
TS Tô Thanh Phương - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Ảnh: Việt Hùng. |
Trầm cảm sau sinh: Căn bệnh nguy hiểm
Theo TS Tô Thanh Phương, thống kê cho thấy có 0,15% phụ nữ sau sinh mắc loạn thần - trầm cảm sau sinh.
Thông thường, một tuần sau sinh, phụ nữ hay có cảm giác buồn, rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân. Nhưng cảm xúc này thoáng qua và sẽ hết nếu được sự hỗ trợ tích cực của gia đình, đặc biệt là người chồng.
“Trong quá trình mang thai, nồng độ orgtoren và các chất dưỡng thai cao, khi sinh con xong, nồng độ các chất này bị giảm đột ngột sinh ra các rối loạn tâm thần sau đẻ. Thời gian khoảng tuần đầu sau đẻ, hầu hết chị em đều có tâm trạng như vậy”, TS Phương cho hay.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ 3 sau đẻ), chị em rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều.
“Nếu không điều chỉnh được những biểu hiện này trong một tuần, bệnh sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi đẻ 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng. Nếu phát bệnh lần đầu, đa số trong tình trạng loạn thần, có ảo giác, hoang tưởng. Nhiều mẹ đã giết chết con mình hoặc tự sát khi mắc căn bệnh này”, TS Phương cảnh báo.
Theo TS Phương, ở nhiều nước phát triển, phụ nữ mang thai được hưởng chế độ chăm sóc thai kỳ rất chu đáo. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chị em ít có sự theo dõi và kiểm tra định kỳ về y tế.
Trong quá trình mang thai và sau sinh, người chồng cần có sự quan tâm đối với người vợ về cả mặt kinh tế lẫn tâm lý, động viên, hỗ trợ tích cực để họ đỡ căng thẳng, bớt sang chấn về các quan hệ trong gia đình, đồng thời đi khám thường xuyên để phát hiện các biến chứng trong thai kỳ.
Quá trình chuẩn bị trước sinh nếu được kiểm soát tốt sẽ giảm nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh”, TS Phương khuyến nghị.
|
Bệnh nhân nữ tại khoa Cấp tính nữ đa số là bệnh nhân nặng, có ý định và hành vi tự sát phổ biến. Ảnh: Việt Hùng. |
Ai có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh?
Theo TS Phương, một số đối tượng chị em có thể dự đoán được khả năng mắc chứng loạn thần sau sinh. Cụ thể:
- Những người đã từng bị bệnh trầm cảm. Đối tượng này cần được quan tâm đặc biệt trong suốt quá trình mang thai.
- Người có các mối quan hệ trong gia đình căng thẳng. Đây là nguy cơ cao dẫn tới các sang chấn tâm lý, căng thẳng, áp lực đối với phụ nữ sau đẻ.
- Những người mẹ đơn thân, hoặc có chồng đi vắng, không có chỗ dựa cũng cần quan tâm.
Đối với những trường hợp có biểu hiện loạn thần sau đẻ, chuyên gia cho rằng tốt nhất nên cách ly và đưa ngay đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để điều trị.
“Đa số bệnh nhân phát bệnh lần đầu là trầm cảm, phát bệnh lần sau là hưng cảm (quá khích). Phác đồ điều trị chung là 6 tháng liên tục tấn công, sau đó điều trị duy trì 1,5 năm, bệnh nhân sẽ tiến triển tốt”, TS Phương nói về hướng chữa bệnh cho bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh.
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một tài khoản đã chia sẻ lại câu chuyện của chị họ mình - một bà mẹ trẻ tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 30 do mắc chứng trầm cảm sau sinh.
“Từ khi lấy chồng, gia đình chị xảy ra một vài biến cố. Sau khi sinh con, chị gần như phải xoay sở một mình vì chồng đi làm xa nhà, bố mẹ đẻ, anh chị em ruột dù ở gần nhưng mỗi người một công việc, một nỗi lo riêng, không thể hằng ngày ở bên chia sẻ.
Những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý sau khi sinh con, những biến cố xảy ra trong cuộc sống… đã khiến chị stress, bế tắc, suy nhược và trầm cảm.
Đỉnh điểm là khi gia đình phát hiện ra chị nợ nần một khoản tiền lớn do vay nặng lãi. Không ai đoán ra một bà mẹ ở nhà nội trợ, chăm con dùng số tiền đó vào việc gì, chỉ thấy tủ quần áo của chị chất đầy hàng hiệu: quần áo, giày dép, túi xách… Mọi người trong gia đình thắc mắc, dò hỏi và ngay đêm ấy, bà mẹ trẻ tìm đến cái chết.
Khi thu dọn lại tư trang của chị, gia đình phát hiện ra một điều bất ngờ: tất cả những món đồ hàng hiệu của chị đều chưa qua một lần sử dụng, còn nguyên hộp, nguyên mác. Lúc này, mọi người mới đau đớn nhận ra, đó là biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh, chứng bệnh rất nhiều bà mẹ mắc phải. Nhưng tất cả đã muộn”.
TS Tô Thanh Phương cho biết, rất nhiều trường hợp bị trầm cảm sau sinh đã tìm đến cái chết do gia đình không để ý và phát hiện để chữa trị kịp thời. Trường hợp này là một trong số đó.
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):
Theo Zing News