Theo Guardian, giới chức y tế Mỹ vừa thông báo về ca mắc bệnh bại liệt đầu tiên ở nước này sau gần một thập kỷ. Nam thanh niên chưa được tiêm phòng, cư trú ở hạt Rockland, bang New York, được phát hiện nhiễm bại liệt sau khi có triệu chứng khoảng một tháng. Gần đây, người này không có tiền sử đi du lịch nước ngoài.
Các quan chức y tế suy đoán có vẻ như người này nhiễm chủng virus có nguồn gốc từ vaccine, có thể là từ một người đã tiêm vaccine sống thường được sử dụng ở quốc gia khác bên ngoài nước Mỹ. Virus sau đó xâm nhập vào cơ thể nam thanh niên và gây bệnh.
Bệnh nhân được cho là không còn khả năng lây nhiễm, song các nhà điều tra đang cố gắng tìm hiểu cách thức anh ta bị mắc bệnh và liệu những người khác có tiếp xúc với virus hay không. Nhà nghiên cứu Jennifer Nuzzo, Đại học Brown, cho biết hầu hết người Mỹ đều được tiêm vaccine chống bệnh bại liệt. Song điều này sẽ là lời cảnh tỉnh với những người chưa được tiêm chủng.
“Điều này không bình thường. Chúng tôi không muốn thấy điều này. Nếu đã được tiêm phòng, bạn không cần phải lo lắng. Nhưng nếu bạn chưa đưa trẻ đi tiêm vaccine, hãy đảm bảo con bạn được tiêm chủng", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Giới chức y tế đã lên lịch tiêm ở New York vào ngày 22-25/7, đồng thời khuyến khích bất kỳ ai chưa được tiêm phòng hãy tiêm ngay.
Patricia Schnabel Ruppert, Ủy viên y tế hạt Rockland, nói: “Chúng tôi muốn những mũi tiêm đến tay những người cần nó".
Bại liệt từng là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất của mọi quốc gia, các đợt bùng phát hàng năm khiến hàng nghìn ca mắc bệnh. Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, vaccine bại liệt có sẵn từ năm 1955 và chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã giúp giảm số lượng ca mắc ở nước này xuống dưới 100 ca vào những năm 1960, ít hơn 10 ca vào những năm 1970.
Năm 1979, Mỹ tuyên bố loại trừ bệnh bại liệt, đồng nghĩa nó không còn sự lây lan thường xuyên.
|
Bệnh bại liệt đã bị xóa sổ ở Mỹ vào năm 1979. Theo CDC, khoảng 93% trẻ 2 tuổi ở Mỹ đã được tiêm vaccine bại liệt. Ảnh: Angie Wang / AP.
|
Hiếm khi du khách mang mầm bệnh bại liệt vào Mỹ. Trường hợp cuối cùng được phát hiện như vậy là vào năm 2013, khi một đứa trẻ 7 tháng tuổi từ Ấn Độ đến Mỹ. Em bé được chẩn đoán ở San Antonio, Texas, mắc loại bệnh bại liệt được tìm thấy dưới dạng vaccine sống.
Hiện nay, thế giới có hai loại vaccine bại liệt. Mỹ và nhiều quốc gia sử dụng phiên bản vaccine bất hoạt. Nhưng ở một số nơi, họ sử dụng loại vaccine virus sống đã được làm suy yếu. Đây là dạng vaccine uống, nhỏ trực tiếp vào miệng trẻ em. Trong một số trường hợp hiếm, virus suy yếu có thể đột biến thành dạng có khả năng gây ra các đợt bùng phát mới.
Trẻ em ở Mỹ vẫn được tiêm phòng bại liệt bằng vaccine bất hoạt. Các quan chức liên bang khuyến nghị 4 liều: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; 4 tháng; 6-18 tháng; 4-6 tuổi. Một số tiểu bang chỉ yêu cầu 3 liều.
Theo dữ liệu tiêm chủng gần đây nhất cho trẻ em của CDC, khoảng 93% trẻ 2 tuổi đã được tiêm ít nhất 3 liều vaccine bại liệt.
Bệnh bại liệt chủ yếu lây lan từ người này sang người khác hoặc qua nguồn nước bị ô nhiễm. Nó có thể lây nhiễm vào tủy sống, gây tê liệt và tàn tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Hạt Rockland nằm ở vùng ngoại ô phía bắc của thành phố New York. Đây là "tâm chấn" của tình trạng kháng thuốc trong những năm gần đây. Năm 2018-2019, đợt bùng phát sởi khiến 312 người mắc bệnh.
Đây không phải lần đầu tiên bệnh bại liệt tái xuất sau hàng thập kỷ bị xóa sổ. Tháng 6, các quan chức y tế ở Anh cảnh báo phụ huynh tiêm phòng vaccine bại liệt cho trẻ bởi virus bại liệt đã được phát hiện trong các mẫu nước thải ở London.
Theo Zing