Amiăng gây ung thư chết người và các bệnh nguy hiểm đến hô hấp
Từ 10 năm nay trở lại đây, Việt Nam luôn là quốc gia đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ amiăng trắng nhiều nhất thế giới. Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng. Tấm lợp amiăng xi măng là sản phẩm vật liệu được sử dụng phổ biến đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp.
Dù có nhiều tiện ích nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Ảnh hưởng của việc sử dụng amiăng trắng, trong đó có các loại tấm lợp Fibro xi măng đến sức khỏe là rất lớn. Điều này đã được các tổ chức y tế như Cục Y tế môi trường (Bộ Y tế), tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Theo tài liệu nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thì tất cả các dạng amiăng, trong đó có amiăng trắng gây ra ung thư ở người và không có ngưỡng an toàn nào cho nguy cơ ung thư do amiăng gây ra.
Theo TS Vũ Thường Bồi, Viện Hóa học, về mặt cơ chế, amiăng gây ung thư là do có sắt. Khi vào phổi, sắt sẽ ở dịch phổi rồi kích hoạt phản ứng ô xy hóa, kích hoạt các phản ứng tác động tới các tế bào dẫn đến biến đổi gen và đây là bước khởi đầu gây ra ung thư. TS Bồi khẳng định, việc tồn tại lập luận cho rằng amiăng trắng ít độc hơn các loại amiăng khác là không thể bởi hàm lượng sắt trong amiăng trắng ít nhất là 0,3% và nhiều nhất lên tới 4%. Đây chính là lý do amiăng là nguyên nhân gây ra ung thư, bất kể là amiăng trắng hay màu.
|
Amiăng trắng có trong tấm lợp Fibro xi măng gây hại tới sức khỏe, là nguyên nhân của nhiều loại ung thư trên cơ thể người. |
Theo các tài liệu của WHO, các bệnh ung thư có liên quan tới amiăng trắng bao gồm là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim), ung thư phổi, thanh quản và ung thư buồng trứng.
Ước tính của WHO đưa ra vào năm 2004, mỗi năm số người chết do các bệnh liên quan tới amiăng là 107 ngàn người, trong đó 41 ngàn người chết vì ung thư phổi, 7 ngàn người chết vì bụi phổi và 59 ngàn người chết vì u trung biểu mô ác tính. Ngoài ra, 1,5 triệu người khác phải sống chung với khuyết tật do các bệnh liên quan tới amiăng.
Cho tới nay, amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Người ta ước tính, cứ 170 tấn amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do ung thư trung biểu mô.
Ở Việt Nam, mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào về những tác hại do amiăng gây ra tại Việt Nam, song rất nhiều con đã số chứng minh, amiăng đã và sẽ đem lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết kể từ năm 1988 tới năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận 150 trường hợp ung thư trung biểu mô và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Theo các nghiên cứu trên thế giới, có tới 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô là có liên quan tới amiăng. Vị Phó Cục trưởng cũng cho biết thêm khi khảo sát tại 6 bệnh viện từ năm 2009 – 2010 đã ghi nhận 447 trường hợp bệnh nghi ngờ có liên quan tới amiăng. Trong đó, 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi.
Đáng nói hơn, khả năng gây ung thư của amiăng không chỉ xảy ra với những công nhân trong các xưởng sản xuất mà ngay cả với những người sống trong môi trường gần nơi khai thác, ở nhà có mái lợp amiăng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (TC&BVNTD VN) trong 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi giai đoạn 2009-2011 có 6 ca liên quan đến amiăng, 5 trường hợp ở nhà mái lợp amiăng và 1 trường hợp ở gần mỏ serpentin (loại sợi amiăng màu).
Đây là điều rất đáng lưu ý khi rất nhiều người dân không hề biết về tác hại của amiăng vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhận thức hạn chế của người Việt trong việc sản xuất cũng như sử dụng amiăng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Giải pháp nào để phòng chống tác hại của amiăng?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách tốt nhất để phòng chống các bệnh do amiăng gây ra là không sử dụng tất cả các loại sản phẩm có chứa amiăng.
Còn tại Việt Nam, do mức độ sản xuất, sử dụng vật liệu chứa amiăng còn nhiều và chưa thể cấm sử dụng ngay nên các bộ, ban ngành có liên quan đang hình thành văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế sử dụng amiăng, tiến tới lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng vào năm 2020.
Về giải pháp trước mắt nhằm hạn chế sử dụng vật liệu chứa chất amiăng độc hại, PGS.TS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Đại biểu quốc hội khóa XIII cho rằng cần chú trọng đến bộ phận những người hiện đang phải tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với vật liệu, vật dụng làm từ amiăng. Trong đó, đối tượng dân cư ở các vùng dân tộc và miền núi (nơi có tỷ lệ sử dụng vật liệu amiăng nhiều nhất tại Việt Nam) là đối tượng cần sao sát nhất.
Bà Bùi Thị An cho rằng hiện tại, các địa phương nên có biện pháp tuyên truyền, giải thích thậm chí áp dụng biện pháp cấm người dân mua các sản phẩm vật liệu từ amiăng. Bên cạnh đó, các bên liên quan cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc đẩy nhanh lộ trình đến năm 2020 để chấm dứt sử dụng amiăng.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho rằng trong thời gian tới cơ quan này sẽ chỉ đạo các đơn vị truyền thông trong ủy ban phối hợp cùng các đơn vị đối tác tăng cường thông tin, tuyên truyền người dân từ bỏ dần việc sử dụng và tiếp xúc với các vật liệu amiăng độc hại.
Trước những nguy hiểm mà amiăng mang lại, Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng đã có có khuyến cáo, hướng dẫn cách phòng chống tác hại của amiăng đối với người dân nói chung và người lao động nói riêng.
Đối với người dân:
- Tránh làm vỡ các vật liệu chứa amiăng gây phát tán bụi amiăng, ví dụ như dùng tấm lợp amiăng để làm đường, đổ móng nhà.
- Xếp gọn các vật liệu thải loại có chứa amiăng vào nơi an toàn tránh mọi hình thức phán tán bụi ra môi trường để xử lý.
- Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng và có nguy cơ tiếp xúc với amiăng, khi có các biểu hiện bệnh đường hô hấp cần đi khám để kiểm tra và điều trị bệnh kịp thời.
Đối với người lao động:
- Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định (khẩu trang chuyên dụng, quần áo bảo hộ lao động).
- Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc
- Tắm rửa trước khi về nhà, không mang quần áo bảo hộ lao động khi về nhà.
- Yêu cầu được định kỳ hàng năm khám sức khỏe (chụp phim X-quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra).
- Khi có các biểu hiện đường hô hấp cần đi khám và điều trị bệnh kịp thời.
Theo Phong Lâm/VietQ