Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: Ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
Hậu quả có thể dẫn tới các di chứng nặng nề hoặc tử vong.
Ảnh minh họa.
Chính vì vậy, sơ cứu đuối nước là một phần vô cùng quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong và di chứng sau đuối nước.
Nguyên tắc sơ cứu người bị đuối nước
Nếu nạn nhân còn tỉnh và giãy giụa ở dưới nước, cần tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao…ném xuống cho họ bám vào để lên bờ và đi tìm người đến cứu giúp.
Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này rất hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Để tránh những sai sót, nên tìm đồ vật nổi trên mặt nước để họ bám vào, sau đó đi tìm người cứu hộ đến giúp đỡ.
Khi bệnh nhân được đưa lên bờ, cần cấp cứu tại chỗ, nhanh chóng, đúng phương pháp.
Kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ.
Cách sơ cứu người bị đuối nước
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước ngay khi phát hiện
Ảnh minh họa.
Sử dụng các dụng cụ phương tiện để cứu nạn nhân như ném phao, cây sào cho nạn nhân nắm. Trong trường hợp không có phương tiện nào, người cứu hộ có thể trực tiếp bơi cứu nạn nhân nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cũng như khả năng bơi và tư thế cứu hộ. Có 3 tư thế cứu hộ thường áp dụng:
Quàng một tay từ vai vòng qua nách đối diện của người bị nạn.
Sử dụng 2 tay giữ 2 bên đầu nạn nhân, người cứu hộ dùng 2 chân bơi ngửa vào bờ.
Túm lấy tóc nếu người bị nạn có tóc dài, túm lấy cổ áo và kéo nạn nhân về phía sau.
Đặt người bị nạn nằm ở nơi khô ráo, thông thoáng
Đặt người bệnh ở nơi khô ráo, thoáng mát để thực hiện dễ dàng những biện pháp sơ cứu bệnh nhân. Tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân và tránh những tình huống không đáng có.
Kiểm tra tình trạng của nạn nhân
Nếu nạn nhân còn tự thở: Đặt người bị nạn ở tư thế nằm nghiêng an toàn.
Nếu nạn nhân ngưng thở (lồng ngực không di động): Thực hiện phương pháp hà hơi thổi ngạt. Một tay bịt mũi, tay còn lại kéo hàm xuống dưới để mở miệng nạn nhân. Sau đó hít hơi thật sâu rồi ngậm chặt miệng nạn nhân và thổi hết hơi. Có thể đặt một miếng khăn hoặc vải khô lên miệng nạn nhân để tránh lây nhiễm cho người cứu hộ.
Thực hiện đúng thứ tự C - A - B (ép tim - khai thông đường thở - thổi ngạt)
Thổi ngạt phải đủ mạnh để làm lồng ngực nạn nhân phồng lên và xẹp xuống theo nhịp. Nếu nạn nhân không tỉnh trở lại sau 2 lần thổi ngạt thì cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi bao gồm 2 kỹ thuật ép tim và thổi ngạt và thực hiện đúng thứ tự C - A - B (ép tim - khai thông đường thở - thổi ngạt).
Kỹ thuật ép tim - thổi ngạt
Ép tim ở 1/2 dưới xương ức, độ lún 1/3 - 1/2 ngực (4 - 5cm với người lớn), tần số 100 lần/phút.
Phương châm: Ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép.
Đối với người lớn, tỉ lệ ép tim/thổi ngạt là 30/2, đối với trẻ con tỉ lệ này là 15/2.
Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim, thổi ngạt (1 chu kỳ là 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt) hoặc sau mỗi 2 phút.
Giữ ấm cho nạn nhân: Khi ở dưới nước lâu, thân nhiệt của nạn nhân sẽ giảm, do đó cần giữ ấm bằng cách cởi bỏ quần áo ướt, đắp chăn khô hoặc khăn khô lên người nạn nhân.
Nhanh chóng đưa người bị đuối nước đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý khi sơ cứu người bị đuối nước
Không dốc ngược nạn nhân: Nhiều người vẫn lầm tưởng động tác sơ cứu đầu tiên là phải dốc ngược người bị nạn rồi vác lên chạy với mục đích tống nước ra từ phổi và dạ dày. Tuy nhiên thực tế nước rất khó bị ép ra, nguy hiểm hơn dốc người còn có thể làm cho nước đi vào khí quản gây sặc. Bên cạnh đó, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu và tăng nguy cơ nôn.
Phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước và đưa vào bờ. Chỉ sau khoảng 1 phút ngừng thở, cơ thể con người bắt đầu xuất hiện các tổn thương. Sau 10 phút chắc chắn sẽ để lại di chứng. Sau 15 phút sẽ không thể cứu sống. Do đó, các động tác cấp cứu thổi ngạt phải được tiến hành ngay sau khi đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước.
Việc thiếu oxy trong thời gian dài sẽ để lại các di chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là ở não. Vì vậy, cần tập trung, kiên trì cấp cứu nạn nhân liên tục, chỉ đưa bệnh nhân tới bệnh viện khi đã thở trở lại.
Thu Giang