Da bị cháy nắng, vì sao?
Khi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian dài mà không có sự che chắn, mảng da bạn phơi nắng sẽ trở nên đỏ khiến bạn có cảm giác đau rát khó chịu, thậm chí là sưng tấy, ngứa ngáy, lột da... đó là những biểu hiện có thể thấy được của cháy nắng.
|
Tiếp xúc lâu với ánh nắng, da dễ bị cháy nắng. |
Nguyên nhân bị cháy nắng là do trên da của chúng ta có tồn tại các phân tử mang tên melanin - các hắc sắc tố. Chất này có khả năng hấp thụ ánh sáng với dải quang phổ rất rộng và đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ tự nhiên của da trước các tia tử ngoại.
Càng phơi nắng nhiều, melanin càng được gia tăng để bảo vệ da, khiến da đen đi và thậm chí là xuất hiện những nốt đồi mồi, nám sạm do cơ thể tự tăng cường sắc tố bảo vệ, giảm thiểu tia cực tím xuyên qua da.
“Thủ phạm” chủ yếu làm da bị cháy nắng là do tia UVB có trong ánh nắng mặt trời. Tia UVB cung cấp năng lượng cho da tạo nên vitamin D (chỉ trước 9 giờ sáng), tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng trực tiếp lên bề mặt da làm da bị đen sạm, cháy nắng và làm tổn thương trực tiếp DNA, gây ra nguy cơ ung thư da cao.
Bên cạnh đó, tia UVA cũng rất nguy hiểm. Tuy tia UVA không trực tiếp làm đen da nhưng còn độc hại hơn vì chúng có khả năng ăn sâu vào lớp hạ bì của da, phá hủy collagen và elastin, khiến da nhanh chóng mất đi độ đàn hồi và thúc đẩy sự xuất hiện của các vết nám, nếp nhăn, đồi mồi...
Khi tiếp xúc với UVB có cường độ mạnh hơn, melanin trong cơ thể sản sinh ra quá nhiều, khiến nó tự kích hoạt một chế độ khác của cơ thể, mang tên apoptosis - được gọi là chế độ rụng tế bào, các tế bào này “tự hiểu” chúng đã “chết cháy” và trở nên dư thừa, không cần thiết.
Khi có quá nhiều tế bào tự diệt, hệ miễn dịch của cơ thể bắt đầu can thiệp, gây nên các phản ứng cháy nắng: máu sẽ được dồn lên những khu vực này nhằm tăng tốc độ hồi phục, khiến chúng thường có màu đỏ. Và những tế bào đã chết hình thành một lớp da lột như da rắn, bong tróc ra khỏi cơ thể, để lại lớp tế bào mới dưới da và giúp da hồi phục dần. Đôi lúc, quá trình tự diệt này nghiêm trọng đến nỗi có thể khiến làn da của bạn bị bỏng nặng và thậm chí là gây ung thư da.
|
Vùng da cháy nắng dễ bị bong tróc. |
Làm thế nào để phục hồi làn da bị cháy nắng?
Khi thấy da có dấu hiệu bị cháy nắng, bạn cần áp dụng các biện pháp dưới đây để giúp chữa lành và làm dịu vùng da bị cháy nắng:
Làm mát da càng sớm càng tốt
Một trong những cách phục hồi làn da cháy nắng nhanh nhất là làm mát da càng sớm càng tốt. Bạn có thể sử dụng khăn lạnh, khăn ướt, gạc ẩm hoặc đá được bọc trong một chiếc khăn, xoa nhẹ lên vùng da cháy nắng để giúp da có cảm giác mát hơn, cân bằng nhiệt độ cho vùng da bị cháy nắng. Lưu ý không đặt trực tiếp đá lạnh hoặc khăn quá lạnh (khăn để trong tủ đá) lên da vì điều này có thể khiến da trở nên tồi tệ hơn. Mà nên để da tiếp cận với đá và khăn lạnh từ từ. Tùy vào tình trạng của da mà bạn có thể làm điều này trong 10 - 15 phút hoặc thậm chí trong vài giờ. Nếu bạn bị cháy nắng toàn thân, bạn cũng có thể tắm với nước mát để làm dịu cơn đau rát. Sau đó, nên giữ một lớp nước mỏng trên da rồi bôi một loại kem dưỡng ẩm cho toàn thân.
Uống nhiều nước
Do da bị cháy nắng đã bị mất nước rất nhiều, nên sau khi đã làm mát da từ bên ngoài, bạn cần bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, đồng thời giúp làm dịu da. Bạn cần lưu ý, để giữ cho da luôn khỏe mạnh, bạn cần phải liên tục giữ nước cho cơ thể. Đặc biệt là sau khi bị cháy nắng, bạn cần phải uống nhiều nước hơn nữa để da hồi phục lại như ban đầu. Khi thấy da bong tróc, hãy cố gắng uống từ 8 - 10 ly nước lọc mỗi ngày. Nước rất quan trọng đối với hoạt động của cơ thể và làn da, giúp làn da tổn thương mau chóng khỏe mạnh, mềm mịn hơn. Ngoài nước lọc bạn có thể thay thế bằng các loại nước ép chứa nhiều vitamin E, A, C như cam, bưởi, cà rốt, cà chua…
Thoa kem dưỡng ẩm
Khi da bị cháy nắng, bạn hãy sử dụng loại kem dưỡng ẩm có chứa những thành phần lô hội, bạc hà, long não hoặc đậu nành sẽ giúp làm dịu làn da bị cháy nắng, da đỡ căng rát và không bị bong tróc.
Lưu ý không sử dụng các loại kem dưỡng có chứa các thành phần petroleum, benzocaine, lidocaine vì chúng có thể khiến da có cảm giác nóng hơn hoặc gây kích ứng cho da. Lưu ý thoa kem nhẹ nhàng, nếu da bị rộp, đừng làm chúng vỡ ra vì nó sẽ khiến vết da cháy nắng của bạn tệ hơn. Da bị rộp có nghĩa là bạn bị cháy da cấp độ hai. Hãy cứ để vết rộp tự lành và giúp bạn tránh khỏi nhiễm khuẩn.
Bảo vệ da trong thời kỳ phục hồi
Khi da bị cháy nắng tức là da đang có tổn thương, vì vậy khi ra ngoài trời nắng, bạn nên sử dụng quần áo che chắn vùng da bị ảnh hưởng, mặc quần áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành. Thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài, dù trời nhiều mây mù. Những tia độc hại có thể xuyên qua mây. Đừng quên bảo vệ môi, bàn tay, tai, gáy. Cần thoa lại kem sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều. Chọn kem chống nắng có SPF từ 15 đến 30. Kem chống nắng SPF 15 bảo vệ khoảng 94% tia độc hại, SPF 30 chặn khoảng 97%. Bạn nên tìm loại có chứa thành phần oxit kẽm, titanium dioxide, avobenzone.
|
Chườm mát là cách làm dịu vùng da cháy nắng. |
Hãy đến bác sĩ da liễu ngay nếu thấy có một số dấu hiệu như:
Khi da bị cháy nắng quá, có thể đã ở tình trạng bỏng nắng. Bạn cần biết phân biệt bỏng nắng và cháy nắng: Cháy nắng thường ít nguy hiểm, nó chỉ làm xỉn màu da và sẽ biến mất sau một thời gian (tùy cơ địa mỗi người). Nhưng bỏng nắng thì khác, nó thường gây tổn thương da trên diện rộng, mức độ đỏ da cứ tăng dần, có thể kèm theo đau đầu, sốt và mệt mỏi. Các dấu hiệu của bỏng nắng thường xuất hiện trong vòng 2 - 6 giờ tiếp xúc.
Thời gian hay gây bỏng nắng là khoảng giữa trưa từ 11 - 14 giờ khi nồng độ tia cực tím tập trung cao. Khi thấy những dấu hiệu dưới đây thì bạn cần đi khám chuyên khoa da liễu, để tránh các sang thương ngày càng rộng và ăn sâu hơn: cảm thấy mệt hay chóng mặt. Mạch đập nhanh, thở mạnh. Cảm thấy lạnh. Bị buồn nôn, sốt rét hoặc phát ban. Bị phồng rộp nặng…
Theo BS. Vũ Thu Dung/Sức khỏe&Đời sống