Vụ việc chó Pitbull xổng chuồng tấn công hai người phụ nữ nhập viện vừa xảy ra hôm 18/11. Sau khi thoát khỏi lồng sắt, con chó Pitbull được nuôi ở xã Tiến Dũng (Thường Tín, Hà Nội) đã lao đến cắn người phụ nữ chủ nhà và một người hàng xóm khiến cả hai phải nhập viện. Con chó hung dữ sau đó bị người dân vây đánh chết.
Được biết, con chó Pitbull này nặng khoảng 30kg. Bình thường chó được người chồng cho ăn, chăm sóc. Hôm đó, người chồng đi vắng, người vợ cho chó ăn và bị chó dữ tấn công.
|
Nếu bạn giáp mặt một con Pitbull hung dữ thì cần phải luôn nhớ điều này: Phải thật bình tĩnh. |
Chó Pitbull là giống chó dữ, hiếu chiến, vốn được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh". Hồi cuối tháng 8/2018, tại Hà Nội đã xảy ra vụ chó Pitbull cắn chết anh trai của chủ nuôi.
Dù được nuôi dạy cẩn thận nhưng đôi khi những loại chó dữ như Pitbull, ngao Tây Tạng, ngao Ý... có thể mất kiểm soát, tấn công loài vật khác, thậm chí cả con người.
Lý do chó dữ thích tấn công người
Trường hợp không may gặp phải một chú chó dữ tợn như vậy, bạn cần phải biết cách đối phó, tránh chó cắn.
Theo các chuyên gia Mỹ, các loại chó đều có khả năng tấn công song không phải con nào cũng làm vậy. Vì chó thường được nuôi ngoài sân nên khi có người đi ngang qua, chúng sẽ sủa và càng ngày càng trở nên hung hăng hơn.
Ngoài ra, việc các loài chó được chủ "rèn luyện" bằng cách ăn thịt sống hoặc chọi chó cũng khiến chúng hung dữ hơn, có thể bất ngờ tấn công con vật khác và con người.
Cách phòng tránh chó dữ tấn công
Nếu bạn giáp mặt một con Pitbull hung dữ thì cần phải luôn nhớ điều này: Phải thật bình tĩnh.
Rất nhiều nghiên cứu đã cho biết, chó có thể cảm nhận được sự sợ hãi hoặc lo lắng của con mồi và điều đó khiến chúng hung hăng hơn.
Bạn cũng không được phép hét lên hoặc tìm cách đá chó. Chó - đặc biệt là những loài chó dữ bẩm sinh như Pitbull, Ngao Ý... luôn muốn làm nạn nhân hoảng loạn trước khi tấn công. Chính vì thế, việc giữ bình tĩnh và kiểm soát được hành vi cơ thể sẽ làm chúng dịu lại.
Tiếp theo, cần tránh nhìn thẳng vào mắt chó. Hầu hết chúng ta, dù có giữ bình tĩnh cũng không thể tránh khỏi cảm giác sợ hãi.
Vì thế, việc nhìn vào mắt một chú chó hung dữ có thể khiến nó cảm nhận được bạn đang lo lắng. Bên cạnh đó, chó dữ có thể coi đó là hành động khiêu khích, có thể tấn công bạn bất kỳ lúc nào.
Khi đã "làm dịu" cơn hung hăng của chó, hãy tìm cách rút lui. Nếu bạn đang cầm trong tay gậy hoặc ô, hãy giơ ra phía trước (nhưng không được chĩa vào mặt chó). Điều này sẽ làm vóc dáng bạn trở nên to lớn hơn và dường như đáng sợ hơn trong mắt chúng. Và khi chó dữ cảm thấy bạn không bị đe dọa bởi nó, rất nhiều khả năng nó sẽ rút lui.
Cách xử lý khi bị chó cắn
Theo lời khuyên của chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ, nếu đột nhiên bị chó dữ tấn công, nếu có đủ thời gian để xoay xở, thì hãy để cho chó cắn vào vật nào đó trên cơ thể. Ví dụ có thể rút một tay áo và cho nó cắn vào đó. Ngay khi chó cắn vào “mồi”, hãy lập tức cởi áo ra rồi chầm chậm rút lui. Bạn cũng có thể sử dụng các vật dụng khác, như gậy, khăn quàng, hay thậm chí là giày - nếu bạn có thể rút ra đủ nhanh.
|
Nếu đột nhiên bị chó dữ tấn công, nếu có đủ thời gian để xoay xở, thì hãy để cho chó cắn vào vật nào đó trên cơ thể. |
Trong trường hợp không đủ thời gian, khi bị chó tấn công hãy luôn bảo vệ mặt, ngực và cổ họng của mình. Vì đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng. Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát. Nếu rơi vào tình thế không thể chống đỡ việc bị cắn, thì nơi cần “hy sinh” sẽ là cẳng chân/cẳng tay. Nếu để chó cắn vào đùi, nguy cơ cắn trúng động mạch chủ là rất cao, có thể khiến bạn mất máu, dẫn đến tử vong.
Khi bị chó tấn công, có thể chống trả bằng cách đá vào các điểm yếu của chó như cổ họng, mũi hoặc gáy. Ngoài ra, có thể sử dụng loại hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc... có trong tay. Sau khi đã thoát khỏi “cuộc chiến” với chó, phải băng bó cẩn thận và nhanh chóng đi tiêm phòng dại.
Các gia đình cần cảnh giác với các tai nạn do chó cắn, kể cả chó nhà. Trường hợp bị cắn vào chỗ hiểm, chảy máu nhiều qua vết thương thì nhiều khả năng bị tổn thương vào mạch máu lớn, khi đó cần dùng khăn bông dày bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời, rồi chuyển đến các bệnh viện gần nhất để cầm máu và phẫu thuật cấp cứu hoặc chuyển tuyến cao hơn. Gia đình không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc, mất máu không hồi phục.
Thảo Nguyên (TH)