Cách đối phó với mẹ chồng coi con dâu như “tình địch”

Google News

Nhiều nàng dâu phải nghĩ cách đối phó với mẹ chồng vì có những bà mẹ con trai là người quan trọng nhất trong đời và họ luôn coi con dâu như tình địch.

Dù con trai của mình đã lấy vợ, thậm chí làm bố rồi, nhưng các bà mẹ vẫn coi con trai như một đứa trẻ, muốn lo lắng, chăm sóc cho con trai đến tận... chân răng. Đây là tâm lý chung của hầu hết các bà mẹ chồng và cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của gia đình bạn. Nhiều nàng dâu thậm chí phải nghĩ nhiều cách đối phó với mẹ chồng.
Thông thường, các bà mẹ chồng chỉ đơn giản là muốn gần gũi con trai và được con trai quan tâm lại. Tuy nhiên, có một số bà mẹ chồng lại can thiệp quá sâu vào đời sống của vợ chồng con trai, thậm chí là muốn độc chiếm toàn bộ thời gian, tình cảm của con trai và ngấm ngầm coi con dâu như “tình địch”. Điều này rất dễ khiến các nàng dâu “bốc hỏa”.
 

Nếu mẹ chồng của bạn cũng là như vậy, bạn không nên tức giận hay “cạnh tranh” với mẹ chồng. Cố gắng bình tĩnh để xem xét cách giải quyết. Dưới đây là 4 bước đơn giản để đối phó với với mẹ chồng thích "độc chiếm" con trai:
1. Chấp nhận sự thật
Bạn có thể bị sốc vì tính chiếm hữu của mẹ chồng và cách cư xử của chồng bạn. Chồng bạn dường như sẵn sàng làm bất cứ điều gì mẹ chồng nói, và nhiều khi còn bỏ quên cả bạn. Bạn có thể cảm thấy ghen tị vì anh ấy chỉ biết đến mẹ nhưng lại không ngó ngàng gì đến vợ, hoặc luôn luôn đứng về phía mẹ, bất kể mẹ đúng hay sai.
Bạn đừng vì chuyện này mà chán nản, buồn bực, cũng đừng vì chuyện này mà tranh cãi với chồng. Khi bạn cố tranh giành với mẹ chồng, chồng bạn đứng ở giữa sẽ là người khó xử nhất. Thay vì nghĩ chồng yêu mẹ không yêu bạn, hãy nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác lạc quan hơn. Nếu chồng bạn yêu mẹ rất nhiều, bạn nên mừng vì đã lấy được một người chồng tuyệt vời, vì anh ấy là người tình cảm. Để chồng bạn được như ngày hôm nay, tất cả là công lao dạy dỗ của mẹ chồng. Mẹ chồng dạy chồng bạn biết cách yêu thương, trân trọng phụ nữ thì sau này, chồng bạn cũng sẽ dạy con yêu thương mẹ như anh ấy từng làm. Nghĩ như vậy, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận sự thật và không còn thấy khó chịu với mẹ chồng.
2. Cố gắng hiểu mẹ chồng
Việc này có thể vô cùng khó khăn, nhưng bạn phải cố gắng làm được. Bạn phải hiểu rằng trước khi bạn về làm dâu, mẹ chồng có thể coi mình là người phụ nữ duy nhất trong cuộc sống của chồng bạn. bà đã được con trai quan tâm, yêu thương trong nhiều năm, nó đã trở thành một thói quen khó có thể phá bỏ.
 
Nếu mẹ chồng đã không chủ động để bạn dung nhập vào cuộc sống của bà nói riêng, và cuộc sống ở gia đình nhà chồng nói chung, thì bạn phải chủ động làm việc ấy. Ảnh minh họa từ internet
Dù thực tế, mẹ chồng biết bạn là con dâu, nhưng có thể trong tiềm thức vẫn coi bạn là người ngoài và bài xích bạn trong vô thức. Nếu mẹ chồng đã không chủ động để bạn dung nhập vào cuộc sống của bà nói riêng, và cuộc sống ở gia đình nhà chồng nói chung, thì bạn phải chủ động làm việc ấy. Mà muốn thực sự trở thành một thành viên trong gia đình nhà chồng, trước tiên bạn phải hiểu rõ về mẹ chồng – bà chủ của gia đình chồng bạn.
3. Nói chuyện với chồng
Các ông chồng đôi khi vô tâm, không nhận ra tâm tình của vợ. Bằng cách tế nhị, bạn hãy nhắc nhở chồng bạn rằng bạn đang cảm thấy bị “ra rìa” và bạn muốn chồng dành nhiều thời gian cho bạn hơn.
Ngoài ra, để tránh xung đột với mẹ chồng, bạn có thể đề xuất với chồng phương án ra ở riêng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề tế nhị, bạn phải hết sức khéo léo và nên lựa chọn thời điểm thích hợp để nói với chồng. Phải giải thích với chồng bạn rằng bạn không có ý chối bỏ trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng, nhưng bạn muốn có con đường riêng của mình, muốn hai vợ chồng được tự lập để trưởng thành hơn.
Và đừng chỉ nói suông, bạn hãy cho chồng thấy một kế hoạch chu đáo nếu bạn muốn ra ở riêng. Hai người sẽ sắp xếp cuộc sống thế nào để có cuộc sống riêng tư nhưng vẫn đảm bảo quan tâm, chăm sóc chu đáo được cho bố mẹ chồng.
Nếu mẹ chồng của bạn tiếp tục xen vào giữa bạn và chồng, hãy thẳng thắn nói cho chồng bạn những suy nghĩ của mình và chỉ cho chồng bạn thấy, nếu tình hình tiếp tục thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của hai người. Hãy nói một cách khách quan và thái độ bình tĩnh, mềm mỏng để chồng bạn không cho rằng bạn đang ghen tị. Kể cả ngay lúc đó chồng bạn không đồng ý, đừng vội buồn, vì chồng bạn rồi cũng sẽ lưu tâm về chuyện này và sau này sẽ có cách xử lý phù hợp hơn.
4. Mở rộng các mối quan hệ cho mẹ chồng
Đa phần các bà chồng muốn độc chiếm con trai nghiêm trọng đều là những người không có quan hệ rộng. Chính vì có ít mối quan tâm nên toàn bộ tâm trí của họ đều dồn hết cho gia đình, đặc biệt là con trai. Hãy giúp mẹ chồng của bạn phân tán bớt sự tập trung lên con trai, bằng cách mở rộng thêm mối quan hệ cho mẹ chồng. Mà mối quan hệ đầu tiên, phải bắt đầu từ bạn. Bạn hãy cố gắng để trở thành một người bạn của mẹ chồng, hiểu bà và giúp bà có thêm những người bạn khác.
 
Còn nếu bạn không thể trở thành bạn tốt của mẹ chồng, bạn có thể khuyên chồng bạn giúp đỡ mẹ chồng, bằng cách tạo điều kiện cho bà đi chơi, đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ hay gợi ý cho mẹ chồng những đam mê mới.
Ngoài ra, còn một người nữa có thể giúp bạn nhưng bạn lại ít khi nghĩ đến, đó chính là MẸ BẠN. Dù mẹ chồng không thân thiết với bạn, nhưng cũng sẽ phải nể mặt bà thông gia. Hãy nhờ mẹ nói chuyện với mẹ chồng, những người cùng trang lứa cũng sẽ dễ đồng cảm và chia sẻ với nhau hơn.

Theo Dân việt