Mỗi năm trong tổng số người chết do bệnh ung thư có 1/3 số người là do thói quen ăn uống. Trong ăn uống hằng ngày, chúng ta phải ghi nhớ 5 chữ quan trọng, để tránh mắc bệnh ung thư do ăn uống.
1. Ăn tươi
Nhiều công trình nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, ăn nhiều thực phẩm tươi có lợi cho việc ngăn ngừa bệnh ung thư. Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới phát hiện, ăn nhiều trái cây và rau tươi có thể giảm tỉ lệ mắc các bệnh ung thư như ung thư yết hầu, ung thư vòm họng, cuống họng...
Hầu hết các loại trái cây và rau tươi có chứa nhiều chất chống ôxy hóa như flavonoids, vitamin C, carotenoids và các thành phần hoạt tính khác có hiệu quả chống ung thư. Ví dụ như rau cải, có chứa quinone và phenol. Quinone có thể pha loãng chất gây ung thư và đẩy nhanh bài tiết ra khỏi cơ thể. Phenol có thể ngăn chặn sự chuyển hóa của tế bào ung thư.
Hàng ngày mỗi người nên ăn ít nhất 400g trái cây và rau, tốt nhất là các loại có màu đỏ, xanh, vàng, tím. Ngược lại, những loại thực phẩm để lâu ngày, đã bị mốc thì tuyệt đối không được ăn. Đậu phộng, đậu tương, gạo, mì… khi bị mốc có thể sản sinh ra độc tố aflatoxin và dẫn đến ung thư gan, ung thư dạ dày… Ngoài ra, không nên ăn thức ăn đã để qua đêm, thức ăn để quá 8-10 tiếng thường có chứa nitrite, càng hâm nóng nhiều lần thì hàm lượng sẽ càng tăng cao.
2. Ăn nhạt
Ăn nhiều thức ăn có nhiều muối có liên quan mật thiết với bệnh ung thư dạ dày. Trung tâm ung thư Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu đối với hơn 40.000 người ở độ tuổi trung niên trong thời gian 11 năm theo dõi và phát hiện, đối với nam giới, những người ăn nhiều muối có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao gấp đôi so với người ăn ít muối, đối với nữ giới, những người ăn nhiều muối nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cũng cao hơn rõ rệt so với người ăn ít muối.
Các nhà nghiên cứu bày tỏ, cơ thể con người sau khi ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều muối thì áp suất thẩm thấu cao của muối sẽ trực tiếp gây tổn hại đến niêm mạc dạ dày và gây ra một loạt các thay đổi bệnh lý. Thực phẩm ướp nhiều muối có chứa nhiều nitrite, có thể kết hợp với các amin trong thức ăn biến thành nitrit, là một tác nhân gây ung thư.
Khuyến cáo được đưa ra là mỗi người không nên ăn quá 5g muối/ngày. Khi chế biến thức ăn cũng cần chú ý đến các loại “muối ẩn”, nghĩa là trong các loại gia vị như bột ngọt, nước tương… cũng có chứa muối, nên phải kiểm soát liều lượng.
Ngoài ăn ít muối, ăn thức ăn thanh đạm ra còn phải kiểm soát lượng thịt. Báo cáo của học viện khoa học Mỹ chỉ ra rằng, mỡ động vật có liên quan mật thiết với căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến liền liệt. Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới khuyến cáo, mỗi tuần không nên ăn quá 500g thịt gia súc và gia cầm, cũng không nên ăn các loại thực phẩm thịt chế biến sẵn.
3. Ăn thô
Thực phẩm thiếu chất xơ là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ung thư trong những năm gần đây. Các loại thực phẩm đều có nguồn gốc từ chất xơ, nhưng qua quá trình chế biến, chế biến càng kĩ thì lượng chất xơ mất đi càng nhiều. Cho nên chúng ta tốt nhất là nên ăn thực phẩm thô.
Thực phẩm chứa nhiều chất xơ bao gồm: các loại thực phẩm chính như: gạo đen, bột ngô, mì yến mạch, ngô ngọt, gạo kê…; Các loại rau như: nấm hương, nấm kim châm, đậu tương, đậu tằm, mầm tỏi, củ niễng…; Các loại trái cây như: lựu, dâu, lê, kiwi, táo tàu…; Các loại hạt như: mè đen, hạt thong, mơ khô, quả óc chó…Chất xơ sau khi vào cơ thể, có thể kích thích nhu động của ruột, đẩy mạnh bài tiết, giảm sự hấp thu các chất gây ung thư, ngăn ngừa ung thư đại tràng.
Điều đáng nói ở đây là các loại đậu chứa ít chất béo, nhiều chất xơ, không chỉ có hiệu quả giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung mà còn có thể ngăn ngừa bệnh ung thư vú do có chứa nhiều chất chống oxy hóa.
Ngũ cốc còn có hàm lượng vitamin và các nguyên tố vi lượng phong phú như canxi, magie, selen…, có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, tăng cường thể chất. Trong đó, selen là một chất chống ung thư, có thể “trói” các chất gây ung thư trong cơ thể lại và bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa.
Khuyến cáo mọi người nên tăng lượng ngũ cốc thích hợp trong chế độ ăn uống hàng ngày. Chẳng hạn như trộn mì yến mạch, bột ngô, bột mì lại với nhau làm bánh màn thầu hoặc mì sợi; Nấu chung đậu đỏ đậu xanh thành cháo thập cẩm. Nhưng phải chú ý, bất kì là loại ngũ cốc nào, khi chế biến phải cho ít dầu, ít muối là tốt nhất.
4. Ăn đắng
Có không ít người không ăn các thực phẩm có vị đắng mà không biết rằng các loại thực phẩm có vị đắng có hiệu quả chống ung thư rất tốt. Các loại trái cây chanh, cam, bưởi đều có vị hơi đắng bởi vị chúng có chứa một chất gọi là “limonoids”. Limonoids là một hóa chất thực vật, thường có trong các loại hoa quả chín, đặc biệt có hàm lương cao hơn trong các loại quả họ chanh.
Trong nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng, limonoids có hiệu quả rõ rệt trong việc tăng cường miễn dịch, có thể giúp bệnh nhân ung thư tăng cường khả năng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện ra rằng ăn cam hoặc uống nước cam có thể hấp thu limonoids, có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư miệng, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày. Trái cây họ cam còn chứa nhiều chất flavonoids và carotenoids, cũng có tác dụng chống ung thư.
Các nhà nghiên cứu Mỹ còn phát hiện, các vị đắng tự nhiên khác trong thực phẩm cũng có tác dụng bảo vệ với sức khỏe. Chẳng hạn như chất naringin có trong chanh và bưởi, chất polyphenols có trong trà và chất polyphenol có trong rượu vang và socola, chúng đều là thành phần có lợi trong việc chống bệnh ung thư và bệnh tim mạch. Quinine có trong mướp đắng có thể tăng khả năng miễn dịch, giúp giảm lượng đường trong máu. Cho nên, muốn ngăn ngừa bệnh ung thư bằng biện pháp ăn uống thì phải ăn thêm thực phẩm có vị đắng.
Theo Tri thức trẻ