|
Một em bé được tiêm vắcxin tại Philippines hồi năm ngoái. (Nguồn: AFP) |
Theo một nghiên cứu mới, các quốc gia có chính sách bắt buộc tiêm vắcxin phòng bệnh lao có số người tử vong vì COVID-19 thấp hơn so với các quốc gia không có chính sách như vậy.
Theo South China Morning Post, nghiên cứu sơ bộ được đăng trên medRxiv, một trang web dành cho các nghiên cứu y khoa chưa được công bố, đã tìm ra mối tương quan giữa các nước yêu cầu công dân tiêm vắcxin BCG và các nước có số ca mắc được xác nhân và số ca tử vong vì COVID-19 ở mức thấp.
Mặc dù chỉ là một sự tương quan, nhưng các bác sỹ lâm sàng tại ít nhất sáu nước đang tiến hành các thử nghiệm liên quan đến việc tiêm vắcxin BCG cho các nhân viên y tế và người già để xem loại vắcxin này có thực sự hỗ trợ việc bảo vệ con người trước virus corona chủng mới hay không.
Gonzalo Otazu, một trợ lý giáo sư tại Viện Công nghệ New York kiêm tác giả chính của nghiên cứu, đã bắt tay vào phân tích sau khi nhận thấy số lượng ca tử vong thấp ở Nhất Bản.
Đây là một trong những quốc gia có báo cáo sớm nhất về các ca mắc virus corona được xác nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, và cho đến nay vẫn chưa đưa ra các biện pháp phong tỏa như nhiều nước đã làm.
Otazu cho biết anh đã biết về các nghiên cứu chứng minh vắcxin BCG có khả năng bảo vệ con người khỏi vi khuẩn lao cũng như các loại bệnh truyền nhiễm khác.
Vì vậy, nhóm của Otazu đã tổng hợp dữ liệu về các quốc gia có chính sách tiêm vắcxin BCG toàn dân và thời điểm thực hiện chính sách này. Sau đó, họ so sánh số lượng các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 được xác nhận để tìm ra một mối tương quan mạnh mẽ.
|
Nhật Bản vẫn chưa đưa ra các biện pháp phong tỏa chặt chẽ như đã thấy ở các quốc gia khác. (Nguồn: Bloomberg) |
Trong số các nước thu nhập cao có số ca mắc COVID-19 ở mức lớn, Mỹ và Italy có khuyến cáo tiêm vắcxin BCG, nhưng chỉ cho những người có nguy cơ; trong khi Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Iran và Anh tưng có chính sách tiêm vắcxin BCG nhưng đã dừng các chính sách này cách đây nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.
Theo Otazu, Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu, cũng có chính sách tiêm vắcxin BCG, nhưng trước năm 1976, người dân không thực sự tuân thủ tốt chính sách này.
Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước dường như đã kiểm soát được bệnh dịch, cũng có chính sách tiêm vắcxin BCG toàn dân. Dữ liệu về các ca bệnh được xác nhận tại các nước có thu nhập thấp được cho là không đủ độ tin cậy để đưa ra một phán đoán vững chắc.
Với 1.029.467 ca mắc và 54.180 ca tử vong, thế giới đang phải vật lộn để kiểm soat COVID-19. Bất kỳ loại vắcxin nào để điều trị căn bệnh này vẫn là chuyện của hơn một năm nữa, và hiệu quả của các loại thuốc đang thử nghiệm cũng chỉ có thể biết được sau vài tháng nữa.
Đó là lý do vì sao việc xem xét liệu vắcxin BCG có thể bảo vệ chống lại COVID-19 hay không là hợp lý, theo Eleanor Fish, giáo sư khoa Miễn dịch thuộc Đại học Toronto.
Nghiên cứu của Otazu vẫn chưa được giới khoa học đánh giá - một tiêu chí nghiêm ngặt với các nghiên cứu khoa học.
"Tôi sẽ đọc các kết quả nghiên cứu với sự thận trọng cao nhất," Fish chia sẻ.
Otazu đã nhận được nhiều lời góp ý từ các chuyên gia khác, và đang thực hiện phiên bản thứ hai của nghiên cứu này nhằm giải quyết mối số mối quan ngại của họ. Anh cũng đã nộp nghiên cứu cho tờ nhật báo Frontiers in Public Health để được đánh giá chính thức.
Một trong những người đầu tiên tiến hành thử nghiệm hiệu quả của vắcxin BCG với virus corona là Mihai Netea, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud, Hà Lan.
Nhóm của Netea đã tuyển được 400 nhân viên y tế cho thử nghiệm - 200 người được tiêm vắcxin BCG và 200 người còn lại dùng giả dược. Ông không kỳ vọng thấy được bất kỳ kết quả nào trong ít nhất hai tháng tới.
Netea cũng sắp khởi động một thử nghiệm riêng để nghiên cứu hiệu quả của vắcxin BCG ở những người trên 60 tuổi. Các thử nghiệm khác đang được tiến hành ở Australia, Đan Mạch, Đức, Vương quốc Anh và Mỹ.
Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để hiểu rõ hơn vì sao vắcxin BCG có hiệu quả chống lại không chỉ bệnh lao mà còn các vi khuẩn gây bệnh khác.
Công trình nghiên cứu kéo dài một thập kỷ của Netea cho thấy vắcxin BCG làm cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm để bất cứ khi nào có bất kỳ mầm bệnh nào với chiến lược tấn công giống như vi khuẩn lao, nó sẽ sẵn sàng phản ứng lại theo cách tốt hơn so với hệ miễn dịch của những người không tiêm vắcxin.
"Vắcxin BCG tạo ra các đánh dấu trang cho hệ miễn dịch sử dụng sau này," Netea chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi vắcxin BCG được chứng minh là có hiệu quả, thì cũng không có lý do gì để tích trữ chúng.
"Người dân không nên tích trữ hay tìm cách mua vắcxin BCG như họ đã làm với giấy vệ sinh," Otazu nói.
Vắcxin BCG cũng có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus corona, nhưng các nhà khoa học chưa thể xác nhận được điều đó cho đến khi kết thúc các thử nghiệm lâm sàng.
|
Một nhà khoa học nghiên cứu vắcxin chống virus corona chủng mới tại một phòng nghiên cứu ở Copenhagen, Đan Mạch. (Nguồn: AFP) |
Trong bất kỳ trường hợp nào, vắcxin BCG cũng không nên là công cụ duy nhất để chống lại Covid-19.
"Không quốc gia nào trên thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh chỉ vì người dân đã được BCG bảo vệ," Otazu cho hay.
Cách ly xã hội, xét nghiệm và cách ly các ca nhiễm là các biện pháp cần thiết để khống chế sự lây lan của dịch bệnh./.
Theo Ma Nguyễn/Vietnam+