Các địa phương 'tăng tốc' tiêm vaccine COVID-19, có tiêm chủng cho trẻ em

Google News

Theo cập nhật mới nhất đến 18h ngày 3/11, Việt Nam đã triển khai tiêm được 84.090.899 liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 58.449.622 liều, tiêm mũi 2

Tính từ 16h ngày 2/11 đến 16h ngày 3/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.192 ca mắc mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 6.175 ca ghi nhận trong nước (tăng 562 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 2.766 ca trong cộng đồng).
Ngày 3/11/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Thuận đăng ký bổ sung 914 ca về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly, lấy mẫu từ các ngày trước tại Ninh Thuận trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhiều nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (+303), Tây Ninh (+141) và Quảng Nam (+79).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước là 934.583 người, trong đó có 830.858 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (434.736), Bình Dương (235.293), Đồng Nai (68.199), Long An (35.182) và Tiền Giang (17.216).
Cac dia phuong 'tang toc' tiem vaccine COVID-19, co tiem chung cho tre em
 Ảnh minh hoạ.

Nhiều địa phương nâng cấp độ dịch, tăng tốc tiêm vaccine
Tính riêng ngày 3/11, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 136 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh lên 5.811 ca. Trong đó, TP. Phan Thiết có 2.189 ca.
Từ 0h ngày 4/11, TP. Phan Thiết sẽ áp dụng các biện pháp hành chính hoạt động theo cấp độ 3 (vùng cam) cho tất cả hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thành phố. Theo đó, các nhà hàng, quán ăn, quán nước chỉ được bán mang về. Hoạt động kinh doanh như: Karaoke, quán bar, cắt tóc, làm đẹp, gym, bán hàng rong, vé số dạo tạm ngưng hoạt động. Người dân trên địa bàn không được ra vào vùng đỏ, trừ các trường hợp đặc biệt như: đưa bệnh nhân đi cấp cứu; công tác cứu hỏa, thiên tai, phòng chống dịch; khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… Hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu… phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị cung cấp hàng hóa, có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.
Đến 17h chiều 3/11, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 29 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, gồm 9 ca lây nhiễm trong tỉnh và 20 bệnh nhân là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết, địa phương đã quyết định cho học sinh cả 3 cấp học trên địa bàn 7 xã ngừng đến trường, tạm dừng các hoạt động không thiết yếu từ 3/11.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine để tăng độ bao phủ vaccine cho người dân, phấn đấu 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 trước ngày 5/11.
Toàn TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức 57 đội tiêm vaccine phòng COVID-19, thực hiện tiêm cho 17.000 người/ngày, các điểm tiêm chủng đang hoạt động hết công suất để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại tỉnh Vĩnh Long, từ 4/11, tất cả các huyện sẽ đồng loạt tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Trước đó, từ 3/11, tỉnh này đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. TP. Vĩnh Long có 5 điểm tiêm vaccine cho gần 7.000 trẻ 12 đến 17 tuổi, trong đó chủ yếu là học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Sáng 3/11, hai Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch; Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19; kế hoạch mua sắm vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Y tế tập trung phân bổ, bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng kịch bản phòng, chống dịch đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Theo Thiên Bình/VOV