Sự lão hóa
Nguyên nhân đầu tiên của thoái hóa khớp gối là sự lão hóa. Người ta cho rằng, sụn trong quá trình lão hóa chống đỡ kém với sự cọ xát cơ học, sẽ dẫn đến tổn thương và phá hủy cấu trúc khớp. Theo quy luật của tự nhiên, khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần và mất hẳn cùng với quá trình tích tuổi. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và proteoglycan giảm sút và rối loạn dẫn đến chất lượng sụn suy giảm, mất tính đàn hồi cũng như khả năng chịu lực.
Nguyên nhân tiếp theo thường gặp hiện nay là béo phì. Béo phì gây nên những thay đổi về mặt tư thế, dáng đi và toàn bộ hoạt động vận động của cơ thể. Hầu hết bệnh nhân béo phì có tình trạng khớp gối bị biến dạng vẹo vào trong. Một số hoạt động thể thao hoặc nghề nghiệp hoặc thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày chẳng hạn như cầu thủ bóng đá, thợ mỏ là yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa nhanh. Yếu tố này thể hiện ở sự tăng bất thường lực nén trên mặt khớp, sự đè ép lặp đi lặp lại sẽ đưa đến phá hủy sụn.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác là nguyên nhân của thoái hóa khớp gối như di truyền, các rối loạn nội tiết (mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương), rối loạn chuyển hóa (bệnh gút).
Không một ai, không một loại thuốc hay thực phẩm nào có thể ngăn chặn thoái hóa khớp gối, có chăng chỉ là tìm cách làm nó diễn ra chậm hơn mà thôi.
Giảm cân sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ thoái hóa khớp gối. Cách tốt nhất là bạn không lạm dụng thức ăn nhanh, thức ăn béo ngọt. Thường xuyên luyện tập thể dục với các bài tập vừa sức để tiêu hao nguồn năng lượng dư thừa cũng như duy trì sức khoẻ. Hạn chế lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống nhiều, quỳ gối, ngồi xổm. Tránh khiêng vác nặng quá sức. Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác. Ngoài ra, phát hiện và chữa trị sớm bệnh thoái hóa khớp.
|
Điều dưỡng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM đang châm cứu cho bệnh thoái hóa khớp gối. |
Các bước điều trị
Bước 1: Hướng dẫn người bệnh bảo vệ khớp gối như dùng băng thun quấn ngang khớp gối khi phải đi và đứng lâu, xoa nhẹ phần đùi trên khớp, phần cẳng chân dưới khớp gối khi ngồi và khi nằm giúp tăng cường tuần hoàn đến khớp gối. Dùng gậy hỗ trợ đi lại nếu đau nhiều. Tập luyện, vận động nhẹ, chậm theo góc gập và duỗi của khớp gối, tập cho sự linh hoạt khớp gối. Ngoài ra, chú ý giảm cân và có thể châm cứu tại chỗ và xung quanh khớp gối.
Bước 2 (sau 4 tuần điều trị): Nếu bước 1 không hiệu quả, người bệnh vẫn đau nhiều khi vận động, tiếp tục dùng nhiệt, chườm ấm quanh khớp gối, xoa bóp khớp đau bằng rượu thuốc, dùng thêm thuốc y học cổ truyền (lá lốt 20g, dây đau xương 20g, mắc cỡ 20 g. Dùng ở dạng thuốc sắc mỗi ngày một thang).
Bước 3 (sau 8 tuần điều trị): Nếu bước 2 hiệu quả, tiếp tục dùng thêm 4 tuần. Nếu bước 2 không hiệu quả hoặc giảm ít, tăng cường xoa bóp bấm huyệt bằng rượu xoa bóp hoặc dầu salicylate, dùng thuốc y học cổ truyền (xuyên khung 8g, đương quy 8g, sinh địa hoặc thục địa 20g, xích thược 10g, đào nhân 6g, hồng hoa 6g, độc hoạt 12g, tang ký sinh 8g, quế chi 8g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 8g, cam thảo 6g. Dùng ở dạng thuốc sắc mỗi ngày một thang).
Bước 4 (sau 12 tuần điều trị): Nếu bước 3 hiệu quả, tiếp tục dùng thêm 4 tuần hoặc 8 tuần. Nếu bước 3 không hiệu quả, phối hợp các phương pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc như bước 3, thêm 1 - 2 loại kháng viêm giảm đau non-steroid. Nếu sau 2 tuần vẫn không hiệu quả, cần phối hợp ngoại khoa.
BS Huỳnh Thị Thanh Thúy (Phó trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM)