TS.BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao, nhiều nơi lụt lội…, người dân dễ mắc các bệnh về da, hay gặp nhất là bệnh da do nhiễm khuẩn, nấm.
Rất nhiều bệnh về da phát sinh
Gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nấm bàn chân, nấm móng chân, nấm bẹn... viêm da do nhiễm trùng. Số ca bệnh tăng 30% so với mùa khô.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương, ngoài việc môi trường bị ngập úng tạo điều kiện cho các loài ký sinh trùng, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi, hoạt động mạnh, việc nước dâng cao khiến người dân tìm đường thoát nạn, lực lượng cứu hộ nỗ lực giúp đỡ, giải cứu dẫn tới tiếp xúc nước mà không có vật dụng bảo hộ.
Những vùng nước này thường chứa mầm bệnh và hóa chất gây hại cho cơ thể. Một số chất gây ô nhiễm tiềm ẩn trong nước lũ bao gồm nước thải, dầu, xăng và các hóa chất gia dụng như sơn (đôi khi có chì) và thuốc diệt côn trùng…
|
Các bệnh về da dễ gặp mùa mưa bão - Ảnh minh họa |
Da nhiễm trùng: Đây là bệnh thường gặp nhất sau đợt bão lũ. Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau chấn thương da và ở những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, suy tĩnh mạch mãn tính và suy giảm miễn dịch. Tụ cầu và liên cầu vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng da, nhưng việc tiếp xúc nước lũ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn không điển hình.
Nhiễm nấm da: Sau mưa, ngập lụt, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm kẽ ngón chân, nấm bẹn, nấm thân mình…
Nhiễm trùng da do vi khuẩn: Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, đau, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng vẩy vàng hoặc nâu, viêm xung quanh. Điều kiện vệ sinh kém, lao động dọn dẹp sau lũ dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
Bệnh ghẻ: Bệnh ghẻ gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở vùng nếp kẽ như lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục…và ngứa rất nhiều về đêm. Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể mắc.
Viêm da tiếp xúc: Nước lũ thường chứa các hóa chất từ ngành công nghiệp hoặc hộ gia đình bao gồm thuốc trừ sâu, kim loại nặng, chất tẩy rửa. Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc chất có trong nước lũ, thường gặp ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước như chân, tay.
Biểu hiện là các dát đỏ, sưng nề, gây ngứa và khó chịu nhiều cho người bệnh. Việc sử dụng chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt lũ cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước.
Chấn thương da và mô mềm: Nước lũ ngập cao khiến người dân và lực lượng cứu hộ thường xuyên phải lội nước, khó quan sát đường đi. Điều này có thể ẩn chứa nguy cơ tiềm ẩn về chấn thương do tiếp xúc vật sắc nhọn (kim loại, thủy tinh), đá, các mối nguy hiểm về điện (đường dây điện rơi xuống).
Những chấn thương ngoài da và mô mềm rất hay gặp, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, sẽ là đường vào của vi khuẩn, ký sinh trùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết có nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, căng thẳng tâm lý thường gặp sau những đợt lũ lụt có thể làm trầm trọng thêm và khởi phát những đợt bùng phát của các bệnh da đã có từ trước như viêm da dị ứng, rụng tóc từng mảng và bệnh vẩy nến...
TS.BS Phương cảnh báo, bệnh nhân có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai hay đắp lá, ngâm lá hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc...
"Ngay cả khi bệnh nhân mang đến thuốc cho chúng tôi xem, họ cũng không hiểu thuốc trị bệnh gì. Bác sĩ rất khó điều trị và người bệnh có thể gặp tai biến do dùng thuốc không đúng. Bên cạnh đó, một số người thích ngâm, đắp lá nhưng không biết nó có thể làm kích ứng, da khô, nứt nẻ, thậm chí loét. Bệnh nhân không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng, dẫn tới tai biến như ngứa, loét, chảy dịch, sưng nóng đỏ...", bác sĩ Phương nói.
TS.BS Phương nhấn mạnh, khi gặp sự bất thường về da, người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ, không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hàng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.
|
Thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao, nhiều khu lụt lội, khiến người dân dễ mắc bệnh về da. Ảnh: Trần Hải. |
Sau bão lũ là nguy cơ dịch bệnh
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay, ở các vùng sau mưa bão, lũ lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng đáng kể. Những bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn. Nhóm bệnh này thường dễ gây dịch với triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp. Trẻ em còn có nguy cơ mắc tay - chân - miệng.
Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa lũ nhiều bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh. Đây là bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét....
Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau bão lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là với những người có cơ địa đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, có bệnh mãn tính.
Trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp cao do sức đề kháng non yếu, sau một thời gian chịu lạnh kéo dài, dinh dưỡng không đầy đủ. Các bệnh có thể gặp như cúm, viêm họng cấp, viêm amidan, viêm phế quản phổi, viêm phổi, nhiễm virus hợp bào đường hô hấp, một số trường hợp nguy cơ bị bội nhiễm.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cổ họng cho con, vệ sinh miệng bằng nước muối, nước sát khuẩn. Trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn cần cho trẻ sử dụng thêm kháng sinh hướng hô hấp.
Sau bão lũ, nguy cơ bệnh dịch đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy nhiễm khuẩn cũng dễ xảy ra. Các biến chứng thường gặp ở bệnh tiêu chảy cấp như mất nước, rối loạn điện giải, nặng hơn có thể gây tụt huyết áp, trụy mạch, sốc suy đa phủ tạng.
Để đề phòng, cần ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường, nguồn nước, vệ sinh tay trước và sau khi chế biến thực phẩm; vệ sinh môi trường, bề mặt vật dụng bằng các thuốc khử khuẩn thông thường. Khi có biểu hiện đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng, cần thông báo ngay cho y tế cơ sở.
Cách phòng bệnh da trong bão lũ
Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch.
Hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc các nguồn nước bẩn, nguồn nước tù đọng lâu ngày.
Mang các dụng cụ bảo hộ nếu phải đi vùng vùng nước ngập.
Tránh tiếp xúc nước lũ nếu có vết thương hở.
Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch.
Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, bạn nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh.
Thúy Nga