Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu người mắc bệnh suy thận và mỗi năm ghi nhận thêm khoảng 8.000 ca mắc mới. Chỉ tính riêng số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu đã có khoảng 800.000 người, chiếm gần 0,1 % dân số.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh cho biết chạy thận nhân tạo chu kỳ (lọc máu chu kỳ) tại Việt Nam đã triển khai từ rất nhiều năm nay, có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện một cách an toàn và hiệu quả.
|
Bệnh nhân chạy thận nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. |
Tuy nhiên, ngày 29/5 vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 7 người tử vong, 1 bệnh nhân đang rất nguy kịch.
Để phòng sự cố tương tự, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị chạy thận nhân tạo tuân thủ quy trình lọc máu chu kỳ, kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận, quy định kiểm soát nhiễm khuẩn. Các đơn vị rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, quy trình vận hành máy...
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Liên quan đến sự việc, ngày hôm nay (3/6), các bác sĩ của BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nặng nhất trong sự cố chạy thận đang trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân cùng lúc bị suy 6 tạng: tim, gan, phổi, ruột, thần kinh, tổn thương cơ, rối loạn máu...
Hiện các chỉ số về sinh tồn gần như bằng 0, nhưng các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc… vẫn rất nỗ lực với hy vọng cải thiện tình trạng bệnh nhân.
Theo Thảo Nguyên/Công Lý