Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021 Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc xin COVID-19 của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.
|
Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vắc xin Pfizer và Moderna trong trường hợp bất khả kháng. Ảnh: Zing |
Trước đó, để thực hiện Chiến lược vắc xin phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vắc xin được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vắc xin do Sinopharm sản xuất). Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vắc xin bằng những công nghệ khác nhau.
Gần đây, do tình hình khan hiếm vắc xin nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vắc xin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vắc xin sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vắc xin véc tơ vi rút với vắc xin mRNA, hoặc tiêm 2 loại vắc xin mRNA của các nhà sản xuất khác nhau…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện đã có Canada và Mỹ đã áp dụng phương án tiêm trộn vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm trộn đạt hiệu quả tốt và chưa ghi nhận tình huống nguy hiểm nào.
Tính đến tối nay (ngày 6/9), tổng số liều vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.
Xem video "Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19". Nguồn VTV4
Thu Cúc