Nguy cơ từ sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh lúc giao mùa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, cúm gia cầm, bệnh liên cầu lợn và một số bệnh khác có thể bùng phát trong dịp lễ hội của năm 2015-2016. Đáng lo ngại nhất là dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cúm gia cầm
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy trong 10 tháng của năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết cả nước lên đến gần 60 nghìn trường hợp, trong đó có đến 42 trường hợp bệnh nhân bị tử vong.
Điều đáng nói, nhiều người dân hiện nay vẫn chưa ý thức được việc phòng chống sốt xuất huyết, có nơi người dân vẫn chưa hiểu cách phòng chống sốt xuất huyết.
|
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm la liệt ở hành lang khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. |
Đề cập đến vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết nhiều nơi, người dân cứ nghĩ, muỗi gây sốt xuất huyết là ở trong bụi rậm, trong cống rãnh, cứ thế khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, nhưng thực ra muỗi gây sốt xuất huyết không có ở đó. Muỗi gây sốt xuất huyết là loại muỗi “cao cấp”, chỉ sống ở nước sạch, trong các chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc, gia cầm, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum…
Theo phân tích chuyên môn của ông Phu, bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung.
Vi rút Dengue có 4 típ huyết thanh Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm bằng phân lập để phát hiện vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên vi rút trong máu trong vòng 5 ngày đầu kể từ khi sốt hoặc phát hiện kháng thể kháng vi rút Dengue IgM đặc hiệu trong huyết thanh từ sau ngày thứ 5.
Muỗi bị nhiễm vi rút thường sau từ 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời. Thời kỳ ủ bệnh từ 3-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu có nhiều vi rút.
“Hiện đang là tháng cuối cùng của năm, sau mấy tuần lắng xuống, bệnh sốt xuất huyết đang tăng trở lại. Nếu tình hình này không được cải thiện, vào những ngày cuối năm, nhất là trong dịp lễ hội đông người, nguy cơ dịch bệnh này sẽ lây lan và bùng phát là rất cao”, ông Phu cảnh báo.
Trước tình hình trên, ông Phu khuyến cáo hằng tuần người dân nên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa (bình bông); bỏ muối, dầu hóa chất diệt loăng quăng vào bát nước kê chân chạn và các ổ nước đọng.
…Đến bệnh tay chân miệng
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, dịch bệnh tay chân miệng đang ở vào đợt cao điểm thứ 2 trong năm, thời điểm này trùng với thời điểm cuối năm nên sẽ rất nguy hiểm.
Trong những ngày qua, số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) liên tục tăng, bệnh nhi mắc tay chân miệng “xếp hàng” chờ nhập viện.
Tại khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong những ngày này, bệnh nhân mắc tay chân miệng nhập viện liên tục. Gần như các bác sĩ không dám giữ bệnh nhân lâu ngày tại khoa bởi không có chỗ.
Có bệnh nhân cho nhập viện chiều hôm trước đến sáng hôm sau đã phải cho xuất viện; còn phần đông chỉ nằm điều trị 2-3 ngày là xuất viện ngay để lấy chỗ cho những bệnh nhân khác.
Chị V. (37 tuổi, ngụ ở huyện Hóc Môn,TP.HCM) cho biết con trai chị nhập viện bởi mắc bệnh tay chân miệng kèm theo giật mình chới với, nhưng bác sĩ chỉ theo dõi đúng 2 ngày là cho xuất viện ngay.
"Tui rất sợ cháu bị giật mình, vì không biết có bị biến chứng gì không, nhưng bác sĩ nói không sao, cháu sốt không cao, chỉ lở loét miệng về nhà theo dõi, nếu thấy sốt cao hay có gì bất thường thì quay trở lại”, chị V. bảo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhi mắc tay chân miệng khá đông, mỗi ngày có cả chục trường hợp nhập viện, nếu để bệnh nhân điều trị kéo dài tại khoa sẽ không còn chỗ cho những bệnh nhi khác, nhất là các bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.
“Những bệnh nhi mắc tay chân miệng không có biến chứng thì chúng tôi cho về nhà theo dõi. Thật ra bệnh tay chân miệng không cần phải điều trị, chỉ cần chăm sóc, ăn uống, vệ sinh sạch sẽ, bệnh tự khỏi. Do đó không nhất thiết phải điều trị dài ngày, trong khi nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng khác không có chỗ để nằm, phải nằm hành lang, rất dễ lây lan cho những trẻ khác”, bác sĩ Khanh giải thích.
Về bệnh này, ông Phu Trần Đắc cho biết tính từ đầu năm đến thời điểm hiện nay, cả nước có hơn 46.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 6 người tử vong.
Tình hình bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp trong tháng cuối cùng của năm 2015. Hiện Cục Y tế dự phòng đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, chỉ đạo tích cực các hoạt động phòng chống trong toàn hệ thống y tế.
“Chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, vệ sinh ăn uống và tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, điều tra, tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không để dịch lan rộng kéo dài. Ngành y tế cũng sẽ phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức phòng chống bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục”, ông Phu cho biết.
Theo Hồ Quang/Một Thế giới