Biểu hiện của trẻ khi nhiễm adenovirus

Google News

Trong bối cảnh số ca nhiễm adenovirus liên tục tăng cao, nhất là ở nhóm trẻ nhỏ, phụ huynh cần nắm vững những lưu ý liên quan để nhanh chóng xử trí phù hợp.

Bieu hien cua tre khi nhiem adenovirus

Cha mẹ nên biết cách phát hiện triệu chứng của trẻ khi nhiễm adenovirus. Ảnh: kelly_sikkema.

Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố đã có tổng cộng 1.940 trường hợp dương tính. Các ca bệnh xuất hiện trên toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 3 trường hợp nhiễm adenovirus trên địa bàn thành phố đã tử vong.

Trong bối cảnh đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết adenovirus là một trong những loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp phổ biến ở người, nhất là nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ngoài gây bệnh đường hô hấp, adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm dạ dày, viêm ruột, viêm kết mạc… Do đó, trẻ nhiễm adenovirus cần được đưa đi khám và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Hiểu rõ về adenovirus

TS Tùng cho hay adenovirus là các virus DNA được phân loại theo 3 chất kháng nguyên vỏ protein chính (hexon, penton và sợi). Có 7 loài adenovirus ở người (từ A đến G) và 57 tuýp huyết thanh. Các tuýp huyết thanh khác nhau liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau.

Bieu hien cua tre khi nhiem adenovirus-Hinh-2

Số lượng trẻ mắc adenovirus tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Quốc Toàn.

“Mọi người ở các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Sau khi bị bệnh, chúng ta sẽ được miễn dịch đặc hiệu tuýp. Cũng vì thế, chúng ta vẫn có thể bị mắc bệnh lại do bị nhiễm tuýp adenovirus khác”, vị chuyên gia lưu ý.

Đến nay, y học vẫn chưa biết rõ về vai trò và thời gian miễn dịch sau khi mắc bệnh do adenovirus. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra nhiều ở lứa tuổi trẻ và gần 100% số người lớn đã có kháng thể đặc hiệu với nhiều tuýp adenovirus.

Trong thực tế, chúng ta thường phân lập được các tuýp adenovirus 1, 2, 3 và 5 gây bệnh ở trẻ em và các tuýp 3, 4, 7, 14, 21 trong các vụ dịch đường hô hấp cấp ở trại lính trong mùa đông xuân.

Về khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài, adenovirus có sức đề kháng tương đối bền vững. Cụ thể, loại virus này có thể tồn tại và còn khả năng gây nhiễm ở 360 độ C trong 7 ngày, 220 độ C trong 14 ngày và 40 độ C trong 70 ngày.

“Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 560 độ C từ 3 đến 5 phút. Mặt khác, adenovirus được giữ lâu dài trong điều kiện đông khô hoặc đông băng”, TS Tùng nói.

Ở trẻ em, adenovirus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột. Một số điểm đáng chú ý của loại virus này bao gồm:

  • Nhiễm trùng ở trẻ em có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp do adenovirus thường gặp nhất vào cuối mùa đông, mùa xuân và đầu mùa hè. Adenovirus có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Hầu hết trẻ em đã bị một dạng nhiễm trùng vào năm 10 tuổi.
  • Về vấn đề lây nhiễm, ổ chứa adenovirus là người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh. Cách lây truyền adenovirus phổ biến nhất là

    Nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra do tiếp xúc với vật liệu lây nhiễm từ một cá nhân khác hoặc đồ vật chứa adenovirus. Virus này có thể tồn tại trong nhiều giờ trên các đồ vật như tay nắm cửa, bề mặt cứng và đồ chơi.

    Viêm dạ dày ruột: Sự lây truyền chủng virus tiêu hóa thường xảy ra khi tiếp xúc qua đường phân - miệng. Thông thường, điều này xảy ra do rửa tay không kỹ hoặc do ăn phải thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm (như mắc phải trong khi bơi ở hồ hoặc ở bể bơi không có đủ clo).

    Các triệu chứng ở trẻ nhiễm adenovirus

    Theo TS Nguyễn Văn Tùng, thời gian ủ bệnh của trẻ khi nhiễm adenovirus khoảng 5-12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải adenovirus ra ngoài.

    “Hầu hết trường hợp nhiễm adenovirus đều diễn biến bệnh khá nhẹ. Tuy nhiên, các biểu hiện rất khác nhau tùy thuộc vào tuýp huyết thanh”, ông nhận định.

    Bieu hien cua tre khi nhiem adenovirus-Hinh-3

    Đa phần trẻ nhiễm adenovirus có biểu hiện giống cúm. Ảnh: Quốc Toàn.

    Trên thực tế, bệnh nặng xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, đôi khi, bệnh vẫn xảy ra trên người lớn khỏe mạnh.

    Các trường hợp nhiễm trùng có triệu chứng xảy ra ở trẻ em gây sốt và các biểu hiện của đường hô hấp trên bao gồm viêm họng, viêm tai giữa, ho và viêm amidan xuất tiết có hạch cổ.

    Ngoài ra, adenovirus tuýp 3 và 7 còn gây ra một hội chứng riêng biệt của viêm kết mạc, viêm họng và sốt (sốt kèm theo viêm kết mạc, viêm họng, hạch).

    Viêm kết giác mạc theo dịch đôi khi có thể diễn biến nặng song xảy ra không thường xuyên và thành dịch với đặc điểm:

  • Bệnh viêm kết mạc thường gặp ở cả hai mắt.
  • Có thể có sưng hạch quanh tai. Có thể có phù kết mạc, đau và các tổn thương giác mạc dạng đốm.
  • Triệu chứng toàn thân nhẹ hoặc không có. Viêm kết giác mạc theo dịch thường khỏi trong vòng 3-4 tuần, mặc dù các tổn thương giác mạc có thể tồn tại lâu hơn nhiều.
  • Các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp do adenovirus có thể kéo dài từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng giống cúm:

  • Đau họng
  • Sốt
  • Ho nặng tiếng
  • Nổi hạch
  • Đau đầu
  • Cảm giác bất an
  • Viêm phổi: Sốt cao, ho, khó thở
  • Viêm thanh quản cấp: ho khan, rít thanh quản, khó thở khi hít vào
  • Nhiễm trùng đường ruột (các triệu chứng có thể biểu hiện từ một đến 2 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh); các triệu chứng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể kéo dài từ một đến 2 tuần.
  • Tiêu chảy khởi phát đột ngột
  • Sốt
  • Chướng bụng
  • Nôn mửa
  • Hội chứng adenovirus hiếm gặp ở trẻ sơ sinh: Bao gồm viêm tiểu phế quản và viêm phổi nặng.
  • Một điểm đáng chú ý là các trường hợp nhiễm adenovirus đang được công nhận là nguyên nhân gây bệnh hô hấp nặng và bệnh khác trên lâm sàng ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm.

    Các biến chứng của nhiễm trùng adenovirus bao gồm

  • Viêm phổi do adenovirus
  • Trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn do adenovirus
  • Lồng ruột (tắc ruột xảy ra khi một phần của ruột trượt qua phần khác giống như kính viễn vọng). Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh. Các triệu chứng của lồng ruột có thể bao gồm phân có máu, nôn mửa, sưng bụng, đầu gối gập vào ngực, tiếng kêu to vì đau, yếu và hôn mê.
  • Viêm não: Trẻ sốt cao, nôn trớ, đau đầu, co giật, thay đổi ý thức, cứng gáy…
  • Viêm gan bí ẩn gần đây ở trẻ em được cho là có liên quan đến adenovirus tuýp 41, thường gây ra viêm dạ dày và ruột cấp tính với biểu hiện tiêu chảy, nôn mửa và sốt, có thể đi kèm triệu chứng hô hấp.
  • Liên quan việc ngăn ngừa nhiễm adenovirus, TS Tùng nhấn mạnh: “Rửa tay thường xuyên là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của adenovirus sang trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn khác”.

    Theo Quốc Toàn/Zing