New York Times đưa tin, thời gian gần đây, các nhà khoa học đã báo cáo rằng biến thể mới, được gọi là Deltacron, đã xuất hiện ở nhiều quốc gia Châu Âu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định về sự xuất hiện của biến thể lai kết hợp gen của hai chủng Omicron và Delta này. Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, nhiều người đặt câu hỏi liệu Deltacron có đáng lo ngại và vắc xin có hiệu quả trước biến chủng này hay không?
"Đây không phải là mối quan tâm mới, có điều biến thể lai này là cực kỳ hiếm. Mặc dù thông tin về Deltacron đã xuất hiện từ tháng 1, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy biến thể này khiến số ca mắc tăng vọt", Tiến sĩ Simon-Loriere, một nhà virus học tại Viện Pasteur ở Paris (Pháp), cho biết.
|
Ảnh minh họa: DPA. |
Tiến sĩ Simon nhấn mạnh bộ gen của biến thể lai Deltacron không chỉ ra rằng nó có thể gây ra một làn sóng dịch bệnh mới. Cụ thể, gen mã hóa protein bề mặt của virus - được biết đến là đột biến - gần như hoàn toàn giống Omicron. Phần còn lại của bộ gen là Delta.
Được biết, protein đột biến là phần quan trọng nhất của virus khi xâm nhập vào các tế bào. Nó cũng là mục tiêu chính của các kháng thể được tạo ra thông qua việc bị nhiễm bệnh và tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19.
Chính vì vậy, các biện pháp phòng ngừa mà con người có được để chống lại Omicron, bao gồm tiêm vắc xin hoặc có kháng thể sau khi bị nhiễm bệnh hoặc cả hai, vẫn sẽ có hiệu quả tốt trước biến thể lai Deltacron.
Hiện cũng chưa có dữ liệu chứng tỏ Deltacron lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia kêu gọi vẫn cần thận trọng theo dõi Deltacron. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để có thêm nhiều dữ liệu hơn về biến chủng này.
An An