1. Nhiễm trùng đột phá không có nghĩa là vắc xin không hoạt động
Như chúng ta đã biết, không có loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. BS. Edward Jones-Lopez - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y khoa Keck (Đại học Nam California) giải thích: Tất cả mọi loại vắc xin mặc dù hiệu quả, nhưng vẫn có tỉ lệ nhỏ nhiễm bệnh sau khi đã được tiêm đầy đủ vắc xin - đó chính là nhiễm trùng đột phá.
Ngay cả vắc xin phòng bệnh sởi, dù cực kỳ hiệu quả, vẫn có khoảng 3% người đã được tiêm phòng có thể nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây.
|
Đeo khẩu trang là một biện pháp giúp phòng lây nhiễm đột phá. Ảnh nguồn: Chris Delmas / AFP via Getty Images |
Vắc xin bại liệt của Jonas Salk (từng được tán dương là một phép nhiệm màu y học) cũng chỉ hiệu quả từ 80% đến 90% trong việc phòng ngừa bệnh.
Các chứng lây nhiễm đột phá của bệnh cúm là phổ biến nhất, hiệu quả của vắc xin cúm thường dao động hàng năm trong khoảng từ 40%-60%.
Vắc xin phòng COVID-19 không nằm ngoài vấn đề đó, vẫn có những trường hợp nhiễm bệnh mới dù đã chủng ngừa đầy đủ.
2. Delta - một biến chủng siêu lây nhiễm đột phá
Đại dịch COVID-19, ngay cả với các loại vắc xin hiệu quả cao dùng để đối phó đại dịch, nhiễm trùng đột phá cũng xảy ra do bởi tốc độ lây lan của virus.
Nghiên cứu mới đây được công bố trên Thời báo y học New England đã cho thấy: Việc tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer hiệu quả cho 94% ở các cá nhân từng mắc biến chủng Alpha và 88% hiệu quả trong số những người dính biến chủng Delta. Trong khi đó, 2 liều vắc xin AstraZeneca đã cho thấy hiệu quả 75% chống lại biến thể Alpha và 67% hiệu quả chống lại biến thể Delta.
Dữ liệu ban đầu đề xuất rằng các loại vắc xin Moderna và Johnson & Johnson cũng ít hiệu quả trong việc chống lại Delta, song lại rất tốt trong việc giảm biến chứng nặng.
BS Robert Darnell, một chuyên gia nghiên cứu về virus Corona, thuộc tại Đại học Rockefeller (New York), giải thích rằng, biến chủng Delta chứa một tập hợp các đột biến virus khá độc đáo khiến nó dễ dàng lây lan hơn các biến chủng khác. Các đột biến virus này giúp Delta dễ dàng xâm nhập vào các tế bào và tự tái tạo ngay trong tế bào. Vì vậy mỗi người bị nhiễm Delta thì cơ thể họ cũng tồn tại rất nhiều đột biến virus.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều hạt virus trong đường thở của các bệnh nhân nhiễm chủng Delta. Nếu có nhiều virus trong mũi và họng thì bệnh nhân sẽ thải nhiều virus vào không khí hơn và tăng nguy cơ phát tán virus dễ dàng.
Sự tăng cao lây nhiễm Delta cùng tỷ lệ chủng ngừa thấp tại nhiều khu vực, cũng như việc nới lỏng đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đang đóng góp vào đà tăng các lây nhiễm đột phá.
3. Sau tiêm vắc xin nếu có nhiễm trùng đột phá, các triệu chứng sẽ nhẹ hơn
Tính đến 2/8/2021, tại Mỹ có hơn 164 triệu người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ. Theo dữ liệu của CDC thì có 7.101 ca nhập viện và 1.507 ca tử vong do liên quan các lây nhiễm đột phá.
Bà Kate Ellingson, một nhà dịch tễ học tại Đại học Arizona (Mỹ) cho biết: "Bằng chứng cho thấy, các loại vắc xin tỏ ra đặc biệt hiệu quả giúp giảm nhập viện và tử vong đối với mọi biến thể". Những người được tiêm chủng đầy đủ nếu bị nhiễm virus, có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.
|
vắc xin làm giảm việc bị nhập viện hoặc tử vong đối với mọi biến thể. Ảnh nguồn: Spencer Platt / Getty Images |
Một lợi ích khác của vắc xin là chúng có thể rút ngắn thời gian nhiễm bệnh. Trong một nghiên cứu được công bố cuối tháng 7/2021, bà Kate Ellingson và các đồng nghiệp đã khám phá ra rằng: Có sự giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời gian mắc bệnh ở các nhân viên y tế và những người đã được tiêm vắc xin có lây nhiễm đột phá.
Trung bình, những người tham gia tiêm phòng đã giảm 58% nguy cơ sốt và không đến 2 ngày ốm trên giường. Tổng thời gian mắc bệnh là 6 ngày, ngắn hơn so với những người chưa được tiêm chủng.
4. Lây nhiễm đột phá có thể phán tán virus
Trước đây các nhà khoa học tin rằng những người được tiêm chủng thì hiếm khi lây truyền virus. Nhưng biến thể Delta đã thay đổi niềm tin này.
Dữ liệu mới được thu thập bởi CDC đã khiến cơ quan này một lần nữa phải ra khuyến nghị rằng: Các cá nhân được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng đang sống tại khu vực có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao, nên đeo khẩu trang tại những khu công cộng ngoài trời.
Theo khuyến nghị của CDC, những người đã được tiêm vắc xin vẫn có thể phát tán biến chủng Delta, dù họ không có triệu chứng. Tuy vậy, các chuyên gia tin rằng những người chưa được tiêm chủng thường lây truyền virus với tỷ lệ cao hơn những người đã được chủng ngừa.
5. Ai dễ bị lây nhiễm?
Báo động nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cảng đường thủy ở TP.HCM
Người có hệ miễn dịch suy yếu thường có nguy cơ cao bị lây nhiễm đột phá do vắc xin ít hiệu quả hơn. Số lượng người bị suy giảm miễn dịch khá cao, bao gồm những người ghép tạng, bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV tiến triển, bệnh đái tháo đường không kiểm soát được...
BS.Robert Darnell giải thích: "Mỗi người đều phản ứng với vắc xin bằng cách sinh ra kháng thể chống lại "protein gai". Một số người có ít kháng thể trung hòa hơn so với số khác có nhiều hơn. Việc này chỉ phụ thuộc vào cơ chế của từng cá nhân".
Những kháng thể trung hòa là một loại protein bảo vệ đặc biệt được cấu tạo bởi hệ miễn dịch có chức năng vô hiệu hóa virus. Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) dự kiến sẽ tiêm sớm cho những người bị suy yếu miễn dịch.
Những người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nguy hiểm từ lây nhiễm đột phá. Theo CDC, khoảng ¾ các lây nhiễm đột biến hình thành ở các ca nhập viện và ca tử vong diễn ra ở những người tuổi 65 hoặc già hơn. Ngoài việc bị suy giảm hệ miễn dịch, ai cũng có thể dính thêm lây nhiễm đột biến nếu không đeo khẩu trang trong các không gian đông đúc, thông gió kém.
6. Khẩu trang vẫn là biện pháp hữu ích
Đã gần 2 năm xảy ra đại dịch, việc tiếp tục đeo khẩu trang sẽ khiến nhiều người sinh ra tâm lý thất vọng. Tuy nhiên chỉ có cách đeo khẩu trang mới bảo vệ cơ thể chống lại biến thể Delta.
|
Các khu vực đông người và thông gió kém như xe buýt thường làm gia tăng lây nhiễm đột phá. Ảnh nguồn: Guardian |
BS.Catharine Paules, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y khoa Milton S. Hershey (Penn State Health), chia sẻ: "Không phải vắc xin vô dụng mà là phải kết hợp vắc xin và đeo khẩu trang thì mới phòng bệnh tốt hơn. Nếu tiêm chủng là biện pháp tránh được nguy cơ nhập viện hoặc tử vong, cũng như chống lây nhiễm và phát tán virus cho người khác, thì đeo khẩu trang là lớp bảo vệ cơ thể thứ hai".
BS.Catharine Paules phân tích rằng nếu thành phố hoặc khu vực nào mà có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì người dân sẽ có nguy cơ cao mắc lây nhiễm đột phá. Tiếp xúc gần và thời gian tiếp xúc cũng là các yếu tố chính làm lây nhiễm.
Theo Nguyễn Thanh Hải/SKĐS