Tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ đang trở nên rất phức tạp khi số ca mắc và tử vong tăng lên nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này được nhận định có thể là sự xuất hiện của biến chủng kép B.1.617.
Vì sao virus đột biến?
Trao đổi với Zing, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết cơ quan y tế của quốc gia này thậm chí vừa công bố xuất hiện chủng đột biến bộ 3. Tình trạng này diễn ra là có cơ sở.
“Với SARS-CoV-2 hay các loại virus khác có quá trình nhân lên liên tục, theo quy luật di truyền, chúng cứ nhân lên khoảng 105-106 là sẽ xuất hiện thêm một gene đột biến mới với kiểu hình, tính trạng khác nhau”, bác sĩ Điền giải thích.
|
Tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ được cho là có nguyên nhân từ biến chủng kép của SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters. |
Theo vị chuyên gia này, dựa trên quy luật chọn lọc tự nhiên, những biến chủng có khả năng lây lan nhanh, mạnh, động lực cao sẽ tồn tại và lưu hành. Trong khi đó, những biến chủng không có khả năng lây lan hoặc chậm sẽ tự bị thanh lọc.
Thực tế cũng cho thấy thế giới ghi nhận khá nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới, điển hình như B117 tại Anh với khả năng lây lan nhanh gấp 70% biến chủng cũ hay B1351 tại Nam Phi.
Bác sĩ Điền cho hay theo thống kê không đầu đủ từ Ấn Độ, biến chủng kép B.1.617 tại quốc gia này cũng có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn. Cụ thể, với các biến chủng cũ trên thế giới, trung bình một bệnh nhân COVID-19 có thấy lây nhiễm virus cho 4 người. Con số này tại Ấn Độ là khoảng 9-10 người.
“Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh với các quốc gia xung quanh Ấn Độ, trong đó có Việt Nam. Khi biến chủng này xâm nhập, khả năng lây lan của chúng sẽ nhanh và mạnh hơn, từ đó khiến dịch dễ bùng phát diện rộng”, bác sĩ Điền nhấn mạnh.
Biến chủng kép tại Ấn Độ có khả năng “lẩn tránh” hệ miễn dịch?
“Đây là thông tin chưa chính thống. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu và nghiên cứu về cơ chế né tránh hệ miễn dịch của SARS-CoV-2 ở tất cả biến chủng trên thế giới”, bác sĩ Điền khẳng định.
Vị chuyên gia này cho hay thời gian thải loại virus trung bình là khoảng 2-3 tuần. Tuy nhiên, thế giới đã ghi nhận một số trường hợp có thời gian thải loại virus dài hơn.
“Với các trường hợp tái dương tính dài hạn, chúng ta nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm không thấy mọc. Tuy nhiên, việc tốc độ thải loại virus chậm cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu biến chủng virus có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch hay không. Đến nay, câu hỏi này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm hiểu”, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine kết luận.
Việt Nam cần làm gì?
Ngày 25/4, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) và Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam từ Campuchia. Kết quả cho thấy 85,3% chủng mang gene đột biến từ Anh, 14,7% còn lại mang gene đột biến của Nam Phi.
Những con số này cho thấy các chủng xâm nhập vào Việt Nam cũng đang có gene đột biến. Đây sẽ là một trong những vấn đề ngành y tế Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm.
|
Một nhân viên y tế làm việc trong phòng thí nghiệm với virus SARS-CoV-2 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Chúng ta cần tiếp tục giám sát các ca bệnh, giải trình tự gene để xác định đặc điểm di truyền của chủng tiếp theo, qua đó phát hiện kịp thời biến chủng có gene đột biến và đưa ra đối sách, chiến lược phòng bệnh hiệu quả”, bác sĩ Điền nói.
Cụ thể, nhờ giải trình tự gene, thông tin về mặt di truyền học của bộ gene mới trong virus rất giá trị cho nhà di truyền, dịch tễ và lâm sàng trong việc tiên lượng mức độ nguy hiểm.
Bác sĩ Điền ví dụ: “Với các nhà dịch tễ, họ sẽ quan tâm mức độ lây lan của virus nhanh, mạnh như thế nào. Trong khi đó, các nhà lâm sàng như chúng tôi rất chú ý tới độc lực gây bệnh của biến chủng, mức độ ra sao để có thái độ ứng phó phù hợp khi có ca bệnh được ghi nhận”.
Theo Quốc Toàn/Zing