|
Người dân mua sắm trên Phố Oxford ở London, Anh hôm 5/12 (Ảnh: Reuters). |
Hàng chục ca nhiễm Omicron đã được báo cáo ở Anh và Đan Mạch vào ngày 5/12, một dấu hiệu cảnh báo cho châu Âu và làm dấy lên lo ngại virus đã lây lan rộng.
Chủng mới Omicron đã lây lan đến ít nhất 45 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Mỹ và phần lớn châu Âu báo cáo một số ca Covid-19 mới trong những ngày gần đây. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), chủng Omicron đã được báo cáo tại 17 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế Châu Âu.
Vào hôm 5/12, Anh ghi nhận thêm 86 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số ca lên 246, trong khi các nhà chức trách ở Đan Mạch đã báo cáo 183 ca nhiễm chủng này.
Dù rõ ràng là số ca nhiễm chủng Omicron đang tăng lên nhanh chóng, tiến sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, vẫn có cái nhìn lạc quan. "Chúng ta sẽ thấy con số nhiễm tăng hơn nữa trong vài tuần tới ở các nước trên thế giới nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Virus này chỉ hoạt động giống như một loại virus hô hấp có khả năng lây nhiễm cao".
Theo ông Osterholm, nguyên nhân gây lo ngại có thể là do các quan chức y tế công cộng quá tập trung vào chủng mới này, mà bằng chứng ban đầu cho thấy nó có thể lây lan nhanh hơn so với Delta.
Tiến sĩ Peter J. Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, nói rằng những con số lây nhiễm vẫn còn quá ít nên khó có thể biết được mức tăng là bao nhiêu. "Vài trăm ca vẫn chỉ là một "phần nhỏ" trong số khoảng 44.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh", ông nói.
"Tôi nghĩ câu hỏi mà mọi người muốn biết là liệu Omicron có vượt mặt Delta hay không", ông nói. Hiện tại, tiến sĩ Hotez cho biết, không có đủ dữ liệu để kết luận điều đó. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu ca nhiễm Omicron tăng bằng 10% số ca Delta vào cuối tuần tới, nguy cơ biến chủng mới này trở thành chủng trội toàn cầu thay thế Delta là rất cao.
Châu Âu chần chừ phong tỏa
Omicron lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào cuối tháng 11. Hôm 4/12, Zambia trở thành quốc gia châu Phi mới nhất cùng với Nam Phi, Botswana, Nigeria và Ghana ghi nhận các ca nhiễm chủng này.
Kể từ khi Omicron xuất hiện, một số nước áp dụng hạn chế đi lại để cố gắng ngăn chặn làn sóng lây lan. Tuy nhiên, một số chính phủ châu Âu đã chần chừ trong việc áp đặt các hạn chế mới trong nước giữa lúc mùa lễ lớn nhất trong năm sắp đến, đặc biệt là khi phần lớn châu Âu đã phải phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa đông năm ngoái.
Thay vào đó, nhiều nước đã chọn tập trung vào việc hạn chế du lịch từ nước ngoài hoặc yêu cầu xét nghiệm đối với du khách du lịch.
Một số người lo ngại việc hạn chế đi lại như vậy là quá muộn. "Đây có thể là kiểu mất bò mới lo làm chuồng", Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh kiêm cố vấn chính phủ nói. "Đã quá muộn đối với làn sóng Omicron này".
Cho đến nay, chính phủ Anh vẫn khuyến nghị người dân tiếp tục cuộc sống như bình thường cùng các kế hoạch nghỉ lễ cuối năm, mặc dù đã kêu gọi mọi người tiêm mũi tăng cường. Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab gọi việc tiêm mũi tăng cường là "biện pháp phòng thủ chắc chắn nhất". "Thông điệp của chúng tôi là: Hãy tận hưởng Giáng sinh năm nay", ông nói trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 5/12. "Chiến dịch tiêm vaccine cho phép chúng ta làm điều đó".
Henrik Ullum, người đứng đầu Viện Huyết thanh Statens, cơ quan y tế công cộng của Đan Mạch cho biết, lo ngại đã gia tăng tại nước này sau khi ghi nhận 183 ca nhiễm chủng Omicron. "Chuỗi lây nhiễm cộng đồng đang diễn ra khi đã phát hiện ca nhiễm ở những người không ra nước ngoài gần đây hoặc tiếp xúc với du khách nước ngoài", ông Ullum nói.
Một số nước châu Âu gần đây thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội trong những ngày gần đây giữa lúc số ca nhiễm tăng.
Bỉ yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và đóng cửa trường học sớm hơn một tuần trước Giáng sinh. Ireland đóng cửa câu lạc bộ đêm và hạn chế tụ tập, trong khi Đức hầu như "cấm cửa" những người chưa tiêm và đã có kế hoạch bắt buộc tiêm chủng vào năm tới, dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Trong khi đó, một số quốc gia đã chứng kiến làn sóng phản đối biện pháp hạn chế. Tại Áo, hàng chục nghìn người đã tuần hành hôm 4/12 trong tuần thứ hai liên tiếp để phản đối quyết định của chính phủ về việc áp đặt một lệnh cấm cứng rắn mới và kế hoạch của chính phủ về việc bắt buộc tiêm vaccine.
Theo Thanh Thành/Dân Trí