Biến chủng Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu, với số ca mắc tăng đáng kể. Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, nhưng theo các chuyên gia, biến chủng này có thể dẫn tới hội chứng COVID kéo dài, kể cả ở người có biểu hiện nhẹ.
"Chúng ta nên giả định rằng, biến chủng Omicron có thể gây ra điều tương tự như các biến thể trước đó cho đến khi có bằng chứng phủ nhận", chuyên gia đến từ Đại học thành phố New York (Mỹ) nói.
|
Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây cho thấy rằng việc tiêm phòng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 06/10/2021, hội chứng COVID kéo dài (hậu COVID-19) được định nghĩa là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã hồi phục khỏi COVID-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng.
WHO ước tính 10 - 20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
Giống COVID-19 cấp tính, hội chứng COVID kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan bao gồm hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da lông.
Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
Văn phòng thống kê quốc gia Anh báo cáo hai nhóm có tỷ lệ mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều nhất là nữ và nhóm tuổi 35 - 49 tuổi.
Trong bối cảnh số ca mắc Omicron tăng vọt trên toàn cầu, giới chuyên gia tiếp tục khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng và tiêm nhắc lại để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng.
Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)
An An (T.H)