Theo Washington Post, EG.5, còn được gọi là Eris, là biến thể phụ của Omicron - hiện vẫn là chủng COVID-19 phổ biến nhất trên thế giới. EG.5 đang lây nhanh và chiếm chủ đạo ở Mỹ.
Kathleen Conley, phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, cho biết: "Tại thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy EG.5 có thể lây lan dễ dàng hơn và các phương pháp điều trị cũng như vắc xin hiện có được cho là vẫn hiệu quả đối với biến thể này".
Trong bản cập nhật mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp EG.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm mà các quốc gia nên theo dõi. Mặc dù EG.5 có thể làm tăng số ca mắc bệnh, WHO cho biết, nó có nguy cơ thấp đối với sức khỏe cộng đồng so với các "hậu duệ" khác của Omicron, bởi hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy nó gây bệnh nghiêm trọng hơn.
|
Ảnh: ABC News. |
Theo nhà virus học và chuyên gia nghiên cứu Stuart Turville, Phó giáo sư tại Đại học New South Wales ở Sydney (Australia), EG.5 đã tiến hóa hơn một chút để "tăng khả năng tương tác và xâm nhập vào các tế bào hơn".
Còn trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư K. Srinath Reddy tại Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ nhấn mạnh, EG.5 ít gây tử vong hơn và vẫn cần quan sát thêm.
Ông cũng cho rằng mặc dù EG.5 có khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng không có độc lực mạnh hơn và tác động của nó đối với con người so với các biến thể khác là gần như nhau.
Triệu chứng nhiễm EG.5
Các triệu chứng khi nhiễm EG.5 có thể bao gồm ho, sốt hoặc ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ hoặc cơ thể, mất vị giác hoặc khứu giác và đau đầu.
Theo bác sĩ Reddy, EG.5 có xu hướng gây ra các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi và ho khan. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng với tình trạng thay đổi thời tiết và người dân không xét nghiệm, việc phân biệt nhiễm EG.5 với bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường có thể khó khăn.
Chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc tiêm phòng vắc xin vẫn cần được thực hiện cũng như đeo khẩu trang và giữ nơi ở thông thoáng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: COVID-19 có thể gây viêm não tương tự bệnh Parkinson
An An (Theo Washington Post)