Do sự gia tăng trên toàn cầu về số ca nhiễm biến chủng BA.5 Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp nó là "biến chủng đáng lo ngại". Các chuyên gia tại cơ quan y tế hàng đầu của Đức cảnh báo số ca nhiễm BA.5 Omicron có thể gia tăng trong mùa hè này.
BA.5 xuất hiện ở Nam Phi vào đầu tháng 5, nhưng làn dịch gây ra bởi biến chủng này tương đối nhỏ và hiện đã lắng xuống. Tuy nhiên, ở Bồ Đào Nha, biến chủng này chiếm 80% số ca nhiễm mới. BA.5 dễ lây lan hơn các biến chủng Omicron khác do mang theo các đột biến riêng giúp virus bám dính vào tế bào vật chủ nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Các nhà khoa học phát hiện BA.4 và BA.5 chung nguồn gốc với các chủng Omicron trước đó. Phân tích do nhà di truyền học tiến hóa Bette Korber và William Fischer tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Mỹ cho thấy, chúng có thể là một nhánh của BA.2.
Giống như các biến chủng phụ khác của Omicron, BA.5 gây bệnh nhẹ hơn so với các chủng COVID-19 khác như Delta. Sự bảo vệ được cung cấp bởi vaccine hoặc các kháng thể tạo ra do nhiễm COVID-19 giảm dần theo thời gian. Điều đó đồng nghĩa không ai được bảo vệ hoàn toàn khỏi BA.5.
Nghiên cứu của Trường Y Harvard trên tạp chí Y học New England hôm 22/6 cho thấy BA.5 dường như có khả năng tránh kháng thể ở những người từng mắc COVID-19 và cả những người đã tiêm nhắc lại, nhưng số ca tử vong và nhập viện ít hơn.
Theo các chuyên gia, điều này là do hàng triệu người được chích ngừa hoặc có kháng thể, làm khả năng miễn dịch chung của dân số cao hơn so với thời điểm bắt đầu đại dịch.
Ngoài ra, BA.5 và một số chủng mới khác có xu hướng lây nhiễm sang đường hô hấp trên thay vì phổi nên giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức khuyến cáo người cao tuổi và những người thuộc nhóm nguy cơ nên tiêm liều tăng cường để được bảo vệ thêm.
Theo nhà dịch tễ học Christian Althaus, Đại học Bern, Thụy Sỹ, quy mô làn sóng BA.5 sẽ thay đổi tùy vào từng khu vực. "Nó có thể là 5% ở một số quốc gia và 30% tại những nước khác. Tất cả phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của người dân", ông này cho hay nói.
Tại Nam Phi, đợt bùng phát BA.4 và BA.5 tương tự làn sóng Omicron đầu năm nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. Trong khi ở Bồ Đào Nha, mức độ tử vong và nhập viện ngang với đợt bùng phát Omicron đầu tiên.
Ông Althaus, nguyên nhân của sự khác biệt này có thể là do khác biệt về nhân khẩu học. Nam Phi có dân số trẻ, trong khi độ tuổi trung bình tại châu Âu cao hơn.
"Càng nhiều người già, số bệnh nhân nặng càng tăng", ông này cho biết.
Ngày 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua giải trình tự gene các bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam đã phát hiện biến thể phụ mới BA.5 của biến chủng Omicron. Việc Việt Nam phát hiện biến thể phụ là điều tất yếu và đã được cảnh báo trước.
Biến thể BA.5 lần đầu được phát hiện ở Nam Phi. Theo một số ý kiến, cả 2 biến thể BA.4 và BA.5 khả năng lây lan nhanh hơn và biểu hiện nặng. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, bài bản nên chưa thể công bố. “Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao các thông tin về biến chủng mới từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Lân nói.
Theo Diệu Hoa/VTC News