Bị "tào tháo đuổi", dùng sai thuốc coi chừng mất mạng

Google News

Khi bị tiêu chảy, tốt nhất người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được chăm sóc thay vì tự mua thuốc điều trị.

Tại phòng cấp cứu, bà Mai lo lắng nhờ bác sĩ:
- Bác sĩ ơi, cứu ông nhà tôi với.
Ông Hồng (chồng bà Mai) đang trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, sốc nhiễm khuẩn huyết, không đo được huyết áp... đã nhanh chóng được các bác sĩ tập trung cứu chữa. Bà Mai phân bua với bác sĩ:
- Khổ lắm, ông ấy tiếc thức ăn từ hôm trước, ăn vào và bị tiêu chảy. Sau đó, ông ấy buồn nôn và nôn, đau bụng, sốt, đi ngoài nhiều lần nên rất mệt mỏi... Tôi có cho ông ấy uống thuốc cầm tiêu chảy mà tiêu chảy vẫn chưa cầm được thì lại xảy ra tình trạng này.
- Ông nhà dùng thuốc gì ạ? Bác sĩ hỏi bà Mai.
Bi "tao thao duoi", dung sai thuoc coi chung mat mang
 Khi bị tiêu chảy không nên tự ý mua thuốc điều trị mà phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và kê đơn.
- Cái thuốc... “lô” gì nhỉ, à đây rồi (bà Mai móc trong túi áo ra vỉ thuốc mà chồng bà đã uống), bà chỉ vào vỉ thuốc rồi đọc “lô-pe-ra-mít” (loperamid). Quê tôi vẫn bảo nhau dùng thuốc này để chữa tiêu chảy mà.
Đợi cho đến lúc bệnh tình của ông Hồng ổn rồi bác sĩ mới giải thích cho ông Hồng và bà Mai hiểu được sự nguy hiểm của việc dùng thuốc cầm tiêu chảy sai cách. Bác sĩ cho biết:
- Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, nếu dùng ngay thuốc cầm tiêu chảy sẽ không tốt, vì xét dưới góc độ phòng vệ thì đây là một phản ứng có lợi. Cơ thể cần tiêu chảy để tống chất độc, vi khuẩn... ra khỏi cơ thể. Nếu dùng thuốc cầm tiêu chảy ngay từ đầu khiến vi khuẩn không thoát ra ngoài và tích tụ lại dẫn tới nhiễm khuẩn huyết qua đường tiêu hóa. Việc nhiễm khuẩn huyết diễn ra khá nhanh, với trường hợp của ông, chỉ sau một ngày tự ý dùng thuốc, ông đã có biểu hiện bụng chướng, vi khuẩn đã xâm nhập vào máu và gây sốc nhiễm khuẩn huyết. Nếu không kịp thời can thiệp thì nguy cơ tử vong là rất cao. Vì vậy, không nên dùng thuốc chống tiêu chảy ngay từ đầu.
Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải, cho nên trong điều trị (đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi), vấn đề hàng đầu là bù nước và chất điện giải như oresol (ORS). Chỉ dùng thuốc cầm tiêu chảy khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài...
Rồi bác sĩ nhấn mạnh: Khi bị tiêu chảy người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi ngay với bệnh nhân bị tiêu chảy, các bác sĩ cũng phải khám và làm các xét nghiệm mới kê được một đơn thuốc cho bệnh nhân chứ không thể dùng thuốc tuỳ tiện được.
Theo Bảo Lâm/SKĐS