|
Ảnh minh họa. |
Việt Nam có khoảng 135 loài rắn trong đó 25% là rắn độc. Để xác định sơ bộ là bị rắn độc cắn hay rắn lành, phải biết cách phân biệt rõ. Nếu tại vết cắn của bệnh nhân không thấy vết răng nanh mà chỉ thấy nhiều vết chấm hình vòng cung thì đó là rắn lành. Hoặc nếu bị rắn cắn sau 15 - 30 phút mà không đau, không phù, chỗ bị cắn không tê bại thì cũng không phải là rắn độc. Nhưng nếu tại vị trí cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5 - 15mm và một số vết răng nhỏ bạn đã bị rắn độc cắn.
Các biện pháp sơ cứu tại chỗ như động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Không để bệnh nhân tự đi lại. Băng ép, bất động chi bị cắn đúng cách bằng thun và nẹp. Nếu bệnh nhân bị liệt phải khai thông đường hô hấp, thông khí nhân tạo. Nếu đau nhiều, uống hoặc tiêm thuốc giảm đau. Không cần băng ép nếu trong vòng 30 phút có thể đến cơ sở y tế. Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện cơ giới một cách nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (có sơ cấp cứu hô hấp, tim mạch và có huyết thanh kháng nọc đặc hiệu).
Đề phòng bị rắn độc cắn, người dân nên tìm hiểu về các loại rắn tại địa phương của mình, nơi rắn thích sống và ẩn náu; cảnh giác đặc biệt trong mùa mưa, lũ, gặt hái và ban đêm; đi giầy, ủng, mặc quần áo dài, nhất là khi đi trong đêm hoặc trong lòng đất; dùng đèn pin/đèn chiếu sáng khi đi bộ trong đêm; tránh rắn càng xa càng tốt, không hăm dọa hoặc tấn công chúng; tránh ngủ trên nền nhà, thường xuyên kiểm tra nhà để phát hiện rắn; không cầm rắn sống hoặc chết.
TS.BS Đỗ Quốc Huy (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM)