Bí quyết để các ông bố, bà mẹ cai nghiện điện thoại cho con

Google News

Để con không nghiện điện thoại đang gây nhiều tác hại cho trẻ phụ huynh hãy đi chơi với con nhiều hơn và có thể cho con tiếp cận làm quen với sách sớm.

Nên chơi với con nhiều hơn
Sau tin tức một cô bé 9 tuổi bị trầm cảm nặng, luôn có ý tự hủy hoại bản thân mình chỉ vì bị bố mẹ cấm xem điện thoại được bố mẹ đưa tới khám ở Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia.
Cháu nghiện điện thoại nặng, lúc nào đi học về cũng cầm điện thoại, ipad. Bố mẹ cháu rất khó chịu nên cấm con dùng điện thoại. Khi cấm dùng, bé có dấu hiệu khác lạ như nhổ tóc cả mảng tóc trên đầu rụng hết, cấu da chân cho chảy máu vì cháu thấy thích.
Bi quyet de cac ong bo, ba me cai nghien dien thoai cho con
Hãy dành thời gian bên các con nhiều hơn. 
Hiện tượng của cháu, bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho rằng đó là bệnh lý tự hủy hoại bản thân mình nhằm gây sự chú ý. Khi được bác sĩ tư vấn, bố mẹ của cháu đã có cách khác để giúp cháu thoát khỏi cảnh tự hủy hoại mình.
Hàng tuần, cuối tuần bố mẹ cháu gác hết mọi công việc để đi chơi cùng con cho cháu đến các khu vui chơi giải trí, nhà sách. Ngày thường, mẹ cháu dành nhiều thời gian cho con hơn như cho cháu đi tập yoga, đọc sách cho cháu nghe nên tình trạng của cháu tốt hơn.
Đến đầu tháng 8 vừa qua, cháu lại có biểu hiện cấu da chân, da tay nên bố mẹ cháu lại đưa con đi khám. Bác sĩ cho rằng các biện pháp để trẻ tránh nghiện điện thoại cần được bố mẹ quan tâm hơn nữa. Thay vì đó, cha mẹ hãy chơi với con nhiều hơn, cho con đi các khu vui chơi, nhà sách để trẻ quên điện thoại cũng là biện pháp hay.
Theo nhà tâm lý Nguyễn An Chất, dù chúng ta đang ở giai đoạn công nghệ 4.0, việc làm quen với các thiết bị công nghệ cũng tốt với trẻ nhưng nếu trẻ bị nghiện quá sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm sinh lý.
Nhiều cha mẹ đang có xu hướng chuyển con qua việc đọc sách, đọc truyện, ông Chất đánh giá cao bởi theo ông việc đọc sách là chìa khóa trí tuệ vô giá và cha mẹ có thể cho con cách đọc sách để bé làm quen với sách.
Nhiều trẻ có thể không thích đọc sách, việc làm cho trẻ thích đọc sách cũng không đơn giản. Nên đọc cho trẻ từng đoạn, từng đoạn để con làm quen với sách, ghép những câu đố vui sau vài phút làm quen với sách hoặc thường xuyên cho trẻ đến chơi ở các nhà sách. Những cuốn sách với hình ảnh bắt mắt, đầy màu sắc sẽ được trẻ dần dần ghi nhớ một cách tự nhiên như thế.
Bí quyết để con nói không với điện thoại
Chị Nguyễn Minh Trang (Hà Nội) – một người mẹ khá nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook cũng chia sẻ: “Mình thường xuyên ưu tiên việc đưa con đi hiệu sách vào cuối tuần. Đôi khi bé nhà mình chỉ thích chơi ở khu vui chơi, hoặc mê mẩn ở quầy đồ chơi trong hiệu sách,… nhưng chẳng sao cả. Xem chán chơi chán ở chỗ khác sẽ lại tha thẩn ngó nghiêng sang khu sách. Tối kỵ với những bạn nhỏ vốn đã chưa yêu thích sách mà bố mẹ lại cứ khăng khăng ép đọc những cuốn do bố mẹ chọn”.
Bên cạnh đó, chị Trang cũng cho biết thêm: cô con gái lớn 5 tuổi của mình chưa từng được tiếp xúc với điên thoại, máy tính bảng hay thậm chí là nhà chị còn không đăng ký dịch vụ truyền hình cáp. Để giữ được khoảng cách cho con và thiết bị công nghệ, vốn luôn được các chuyên gia cảnh báo gây nhiều tác hại đối với trẻ nhỏ, chị Trang luôn nỗ lực cho con tiếp cận với sách ngay từ khi còn rất nhỏ. Trong đó, đến nhà sách một cách thường xuyên là biện pháp hiệu quả nhất.
Khi nói đến việc cho trẻ đi chơi cuối tuần, đa phần các phụ huynh cho rằng đó sẽ là công viên, là khu vui chơi vận động, rạp chiếu phim,… Đến nhà sách chỉ khi nào cần mua sách mà thôi. Trên thực tế, nhà sách chính là một điểm vui chơi bổ ích, giúp trẻ yêu sách và hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ.
Hiện nay, mô hình nhà sách kết hợp khu vui chơi cho trẻ đang khá phổ biến tại các thành phố lớn. Mô hình này ra đời cũng xuất phát từ chính những nghiên cứu về việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. Mô hình này cho phép trẻ được thoả sức vận động, giải phóng năng lượng và quan trọng hơn hết là xung quanh trẻ luôn có sách và sách. Trẻ sẽ dần nhận thức rằng: nhà sách là một điểm đến đầy ắp điều bất ngờ thú vị, đắm mình trong thế giới của sách, của những câu chuyện bổ ích và còn được vui chơi thỏa thích. Nhờ vậy, tình yêu với sách sẽ được bồi đắp dần qua từng tháng, từng năm.
Theo Khánh Ngọc/Infonet