Bi hài xác thực sinh trắc học: Ra lại vào… vẫn không phải "nó"

Google News

Cập nhật sinh trắc học ngân hàng xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Từ nay đã yên tâm có thêm lớp bảo vệ “túi tiền”, dù việc quét khuôn mặt khi giao dịch đôi lúc “cười ra nước mắt”.

Từ đầu năm 2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online.
“Méo mặt” với xác thực sinh trắc học
Cận Tết ai cũng vội vàng, tất bật mua sắm, chuẩn bị Tết. Năm nay, không chỉ phải lo chuyện muôn thuở đầu tiên là... tiền đâu, người dân còn phải lo thêm một chuyện nữa, đó là cập nhật sinh trắc học ngân hàng!
Không lo sao được khi tiền lương hàng tháng “chạy” thẳng vào thẻ ngân hàng. Mọi khoản thanh toán từ hóa đơn tiền điện nước, đóng học cho con, nạp tiền điện thoại, mua bán, đi chợ… đều thông qua chuyển khoản. Thậm chí mua một mớ rau hay uống ly trà đá cũng quét mã QR code, thì dừng giao dịch online có mà gay to!
Bi hai xac thuc sinh trac hoc: Ra lai vao… van khong phai
 
Thế nhưng, theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN, kể từ ngày 1/1/2025, tất cả các khách hàng chưa cập nhật sinh trắc học sẽ bị dừng giao dịch thanh toán trực tuyến.
Ngoài ra, những cá nhân chưa cập nhật Căn cước công dân mới thay thế giấy tờ tùy thân hết hiệu lực sẽ bị tạm dừng giao dịch. Điều này có nghĩa là, nếu trước đây khách hàng đã cung cấp chứng minh nhân dân 9 số hoặc 12 số cho ngân hàng, thì nay cần mang Căn cước mới đến cập nhật lại giấy tờ, thông tin sinh trắc học.
Trước đó, từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán phải xác thực dữ liệu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.
Lúc đó, nhiều khách hàng vẫn ung dung, có người lạc quan tếu, lương tháng không quá 10 triệu, tiêu pha chuyển khoản nhiều lắm chỉ 2-3 triệu mỗi lần giao dịch, đâu cần phiền hà làm sinh trắc học!
Nhưng đến lần này, các ngân hàng thực hiện quyết liệt, triệt để. Chủ thẻ nào chưa cập nhật sinh trắc học sẽ “treo thẻ” online. Đến nước này thì chỉ còn cách chấp hành!
Vội vàng tìm thông tin, cài đặt sinh trắc học theo hướng dẫn. Tưởng dễ, nhưng không dễ chút nào, nhất là với những người ở tuổi trung niên, ít sử dụng công nghệ.
Loay hoay thao tác chụp ảnh hai mặt của Căn cước công dân, đến đoạn đọc chip thì thử cả chục lần, hết ra lại vào vẫn chào thua! Hóa ra, lỗi tại chiếc điện thoại thông minh không hỗ trợ NFC (công nghệ không dây cho phép giao tiếp và truyền dữ liệu giữa các thiết bị ở khoảng cách gần).
Đành ra chi nhánh ngân hàng nhờ hỗ trợ. Thế mà các cô nhân viên ngân hàng cũng mất một lúc mới cập nhật xong cho khách, vì hệ thống báo lỗi, thông tin cá nhân không trùng khớp, khách chưa cập nhật thông tin căn cước mới.
Xong khâu xác thực, việc quét hình ảnh khuôn mặt mỗi lần giao dịch trên 10 triệu thực tế cũng lắm bi hài. Có anh công chức nọ than thở, mắt bị cận nặng, mỗi lần giơ máy lên quét nếu đeo kính thì app không nhận diện được khuôn mặt, còn tháo kính thì không khác gì… “mù dở”, không thể đọc các hướng dẫn trên app để làm theo.
Bi hài hơn, trường hợp của một chị kế toán công ty, gom góp tiền cuối năm tính “chơi lớn” đi làm đẹp để đón Tết. Ai dè sửa mũi, cắt mí mắt xong khi quét sinh trắc học không trùng khớp với dữ liệu đã lưu trên hệ thống, đành bó tay không thể thực hiện lệnh chuyển tiền.
Ngay cả khi khuôn mặt không có chút thay đổi nào và thực hiện đúng theo hướng dẫn trên app “di chuyển lại gần”, “giữ thiết bị ổn định” đôi lúc vẫn gặp sự cố… treo hệ thống!
Mọi phiền hà cũng vì… để giữ túi tiền cho khách!
Thực tế việc xác thực sinh trắc học và yêu cầu quét khuôn mặt mỗi lần giao dịch (trên 10 triệu) dù còn bất cập, gây phiền hà cho người dùng, nhưng không thể phủ nhận đây là giải pháp cần thiết để bảo vệ chủ tài khoản, nhất là trong thời điểm vấn nạn lừa đảo vẫn gây nhức nhối, khiến nhiều người mất tiền oan.
Bi hai xac thuc sinh trac hoc: Ra lai vao… van khong phai
 
Dẫu vậy, các ngân hàng thừa nhận, ngay cả xác thực sinh trắc học cũng có nguy cơ bị “qua mặt”. Người dùng vẫn phải đối mặt với một vài rủi ro, như việc sử dụng deepfake (kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những hình ảnh hoặc video giả mạo) vượt qua các biện pháp kỹ thuật để xác thực sinh trắc học của các ngân hàng.
Với người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả trong trường hợp đã xác thực sinh trắc học thành công, khách hàng vẫn luôn phải bảo mật thông tin cá nhân, thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, thận trọng kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện mỗi giao dịch.
Trở lại việc cài đặt sinh trắc học, không ít thử nghiệm cần thời gian để chứng minh tính hữu dụng. Nhiều khách hàng sau một thời gian thực hiện quét khuôn mặt khi giao dịch đã thừa nhận thao tác khá đơn giản, nhanh gọn, tính bảo mật cao, không phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ.
Chị Ngọc Thúy, chủ cơ sở kinh doanh đèn trang trí chia sẻ, bản thân chị thường xuyên giao dịch với số tiền lớn, nên việc bảo mật tài khoản ngân hàng rất quan trọng. Không chỉ thực hiện quét khuôn mặt, chị Thúy còn cài đặt xác thực bằng mã smart OTP và vân tay để tránh rủi ro.
Còn bản thân tôi, cập nhật sinh trắc học ngân hàng xong cũng thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất “túi tiền” của mình đã có thêm lớp bảo vệ an toàn, tránh sự “dòm ngó” của những kẻ lừa đảo tinh vi bằng công nghệ!

Tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến ngày 6/1, toàn hệ thống có hơn 84,7 triệu khách hàng cá nhân đã được đối chiếu sinh trắc học, chiếm trên 72% tổng số lượng khách hàng cá nhân có phát sinh giao dịch trên kênh số. Một số ngân hàng đạt tỷ lệ khách hàng đăng ký sinh trắc học rất cao như VietinBank và BIDV đạt khoảng 83%, Vietcombank là 92% và Agribank là 66%.


Diệu Nga