Nhiều người tử vong vì bệnh Whitmore
Trường hợp tử vong mới nhất vì bệnh Whitmore được ghi nhận ở Quảng Nam. Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, trưa 11/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T.V. (47 tuổi, trú xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức.
Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân mắc kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm; biến chứng suy hô hấp cấp, tăng đường máu cấp.
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm, X-quang, siêu âm điện tim, cấy máu, cấy đàm. Tuy nhiên, bệnh viện chưa thực hiện được cấy máu và cấy đàm nên phải gửi mẫu thực hiện đến phòng khám Trường Đại học Phan Châu Trinh.
Đến 16h45 ngày 11/10, do tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên bệnh nhân được hội chẩn lãnh đạo và thống nhất chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp. Bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Đến ngày 14/10, kết quả cấy máu và cấy đờm của bệnh nhân N.T.T.V. cho thấy, bệnh nhân nhiễm Burkholederia pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore).
|
Ảnh minh họa. |
Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh Whitmore.
Trước đó, vào tháng 9/2023, một bệnh nhi 15 tuổi nhiễm bệnh Whitmore, ở huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), cũng tử vong dù được tích cực điều trị.
Vietnam Plus đưa tin, bệnh nhi 15 tuổi là nữ, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ ngày 4/9/2023.
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, từ ngày 22-30/8, bệnh nhi có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7kg trong vòng 10 ngày, gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhi đến Phòng khám An Phúc ở xã Tiên Trang, để khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...
Tiếp đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương, tại xã Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa, để khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.
Ngày 4/9, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch, suy tuần hoàn hô hấp, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu... Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được phát hiện các chỉ số về bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu... đều tăng cao. Xét nghiệm cấy máu phát hiện bệnh nhi có vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận; có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết. Tuy nhiên, diễn biến bệnh ngày càng nặng. Bệnh nhi tử vong trong tình trạng suy đa tạng, phải lọc máu nhiều lần.
Vào tháng 11/2022, tại Thanh Hóa cũng từng ghi nhận 2 bệnh nhân mắc Whitmore, trong đó trường hợp ở thị xã Nghi Sơn tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Điều trị bệnh Whitmore thế nào?
Bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei) gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến nó thường được người dân gọi với cái tên "vi khuẩn ăn thịt người".
Bệnh Whitmore có thể được chữa khỏi bằng liệu trình điều trị bằng kháng sinh gồm hai giai đoạn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có diễn biến trở nên nghiêm trọng nhanh chóng và việc điều trị có thể không hiệu quả trong mọi trường hợp.
Nếu được điều trị kịp thời và thích hợp, bệnh vẫn có thể gây tử vong trong 10% đến 20% trường hợp. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do Whitmore tăng lên tùy thuộc vào yếu tố như bạn có mắc bệnh tiềm ẩn hay không, chất lượng chăm sóc sức khỏe và cơ quan nào bị ảnh hưởng.
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc thích hợp. Loại nhiễm trùng và quá trình điều trị sẽ ảnh hưởng đến kết quả lâu dài.
Điều trị thường bắt đầu bằng liệu pháp kháng khuẩn tiêm tĩnh mạch trong ít nhất 2 tuần (lên đến 8 tuần tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng), sau đó là 3 đến 6 tháng điều trị bằng kháng sinh đường uống.
Liệu pháp tiêm tĩnh mạch bao gồm Ceftazidime dùng cứ sau 6-8 giờ hoặc Meropenem dùng cứ 8 giờ một lần.
Liệu pháp kháng sinh đường uống bao gồm Trimethoprim-sulfamethoxazole uống 12 giờ một lần hoặc Amoxicillin / axit clavulanic (co-amoxiclav) uống 8 giờ một lần.
Bệnh nhân bị dị ứng với penicillin nên thông báo cho bác sĩ của họ, bác sĩ có thể chỉ định một liệu trình điều trị thay thế.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp dự phòng chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch,... cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút
P.V (Tổng hợp)