Sáng ngày 10/8, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, một bệnh nhân vừa tử vong khi điều trị sốt xuất huyết tại BV. Theo đó, bệnh nhân nữ (56 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), bị biến chứng suy đa tạng, chảy máu nhiều. Dù đã được điều trị nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Theo hồ sơ bệnh án, ngày 9/8, bệnh nhân được chuyển đến từ BV Bưu Điện trong tình trạng sức khỏe yếu. Khi ấy, bệnh nhân có dấu hiệu ngừng tim, không đo được huyết áp, không đáp ứng được thuốc vận mạch. Theo hồ sơ, đây là ngày thứ 5 kể từ khi bệnh nhân phát bệnh. Bệnh nhân suy đa tạng, chảy máu nhiều. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh basedow bướu cổ nhiều năm. Bệnh nhân đã tử vong sau khi nhập viện ít lâu.
Như vậy, đây là trường hợp thứ 7 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết. Cũng theo số liệu của BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, trong số bệnh nhân đang điều trị nội trú do bị sốt xuất huyết có 6 trường nặng, trong đó, 2-3 ca tiên lượng tử vong.
|
Ảnh minh họa, nguồn: An ninh thủ đô. |
Hiện dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính tới hết ngày 8/8, toàn thành phố có hơn 13.200 ca mắc sốt xuất huyết.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, để tăng cường lực lượng cho công tác phòng chống dịch bệnh, tại 269 xã, phường, thị trấn đã thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy, trong đó có 11 quận, huyện đã thành lập ở 100% xã, phường. Mỗi đội xung kích sẽ phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình và làm nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn và cùng người dân xử lý triệt để các ổ bọ gậy. Khi có ổ dịch, các đội xung kích diệt bọ gậy sẽ hoạt động từ khi xuất hiện ổ dịch đến khi ổ dịch kết thúc theo quy định của Bộ Y tế.
Cùng với đó, ngành y tế đã lên phương án tăng cường phun hóa chất phòng chống dịch. Bắt đầu từ ngày 14/8 cho đến hết tháng 8, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội sẽ tập trung phun hóa chất tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và một số phường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Lộ trình phun sẽ đi từ vùng lỗi trung tâm dịch ra vùng ngoài. Trung tâm huy động 15-20 máy phun/phường để phun ban ngày, còn phun hóa chất bằng ô tô sẽ thực hiện vào ban đêm từ 1-5 giờ sáng.
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị. Giải pháp hữu hiệu nhất là diệt loăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt loăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Theo Như Ngọc/Phụ nữ Việt Nam