Gần đây nhiều người chia sẻ thông tin về lời cảnh báo của một phụ nữ có chồng mắc COVID-19 đã trở nặng sau một trận tắm. Trường hợp này trước đó mắc bệnh ở thể nhẹ. Người này khuyên không nên tắm mà chỉ lau người, lau phần phụ… Ngược lại, rất nhiều bệnh nhân lại cho rằng họ vẫn tắm bình thường và thấy không có vấn đề gì. Điều này khiến nhiều F0 hoang mang không biết nên tắm không.
Về vấn đề này, TS.Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho biết theo y học cổ truyền, tắm nước nóng sẽ làm giãn lỗ chân lông từ đó gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập... Nhiều trường hợp bị cảm hàn, thậm chí tử vong sau khi tắm. Do đó, người ta thường quan niệm rằng khi ốm không nên tắm rửa. Tương tự, nhiều người cho rằng khi mắc COVID-19 mà tắm bệnh sẽ trở nặng.
|
Ảnh minh họa: T.A. |
Theo TS Giang, thực tế, trước đây nơi tắm rửa không được kín đáo, dễ bị gió lùa nên người ốm nếu tắm sẽ rất nguy hiểm. Một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém, khi tắm quá nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm nặng thêm bệnh, thậm chí là tử vong.
"Vì thế, khi đang mắc bệnh người dân không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng và phải có cách tắm sao cho đúng", TS Giang nói.
Theo chuyên gia, tắm rửa giúp giải phóng các tế bào da chết, làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Bởi vậy, việc tắm rửa để đảm bảo vệ sinh cơ thể là cần thiết, miễn sao cần tắm đúng cách để không làm nặng tình trạng của bệnh mà còn giúp hỗ trợ chống lại bệnh.
Với người mắc COVID-19 nên tắm cách ngày một lần, tắm nhanh. Chuyên gia lưu ý không nên tắm quá muộn sau 22h đêm, tốt nhất là trước 18h, không nên tắm ở nơi có gió lạnh, không nên tắm khi quá đói hoặc quá no. Thời gian tắm thích hợp 5 -10 phút.
Người bệnh có thể tắm bằng nước lá xông (sau khi xông xong), pha thêm nước ấm vừa đủ hoặc sử dụng muối tắm thảo dược. Tắm xong cần lau khô người trước khi mặc quần áo, lau kỹ và sấy khô tóc.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh ra ngoài trời gió, ở trước quạt hay điều hòa ngay sau khi tắm. Massage sau tắm để làm giãn các mạch máu lại để da ấm lên.
11 dấu hiệu người bệnh cần được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời
Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu…
Cụ thể:
1. Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
2. Nhịp thở
+ Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút.
+ Trẻ từ một đến dưới 5 tuổi: nhịp thở: ≥ 40 lần/phút.
+ Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.
Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.
3. SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
4. Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
5. Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo)
6. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
7. Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
8. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
9. Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
10. Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
Theo Nam Phương/Dân Trí