Dù đã được điều trị tích cực và hỗ trợ tối đa từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai song bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Ng.(45 tuổi) - một trong những bệnh nhân nặng nhất trong sự cố y khoa 18 người sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
|
Các bác sĩ tham gia hội chẩn cho bệnh nhân còn lại đang nguy kịch tại Hòa Bình. Ảnh: M.T. |
Chiều 2/6, đoàn bác sĩ thứ 6 của Bệnh viện Bạch Mai do GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, tiếp tục lên đường đến Hòa Bình để trực tiếp thăm khám, đánh giá tình trạng và tìm phương án đưa bệnh nhân Ng. (45 tuổi) về Bệnh viện Bạch Mai.
Theo GS Bình, hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch; suy đa phủ tạng, tổn thương các cơ, rối loạn đông máu, nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng nề hơn, kèm theo xuất huyết tiêu hoá. Bệnh nhân đang được hỗ trợ bởi nhiều máy móc để duy trì chức năng sống.
“Chưa có bệnh nhân nào cùng một lúc phải hỗ trợ nhiều máy móc như vậy. Từ ngày 29/5 đến nay, bệnh nhân đã có 3 lần ngừng tim, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng suy đa phủ tạng, 6 tạng chính của cơ thể đều bị suy nặng đó là tuần hoàn, hô hấp, gan, thận, đông máu và thần kinh trung ương.
Theo y văn thế giới bệnh nhân suy 6 tạng tỷ lệ tử vong gần như 100%. Hiện các chỉ số sinh tồn bệnh nhân còn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào máy móc như máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy thở, máy lọc máu liên tục, máy thay thế huyết tương hỗ trợ gan nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, hy vọng và chờ đợi một điều kỳ diệu", GS Bình nhấn mạnh.
|
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hoà Bình đã và đang phối kết hợp chặt chẽ, tập trung mọi nguồn lực con người, máy móc, phương tiện tốt nhất có thể để cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: M.T. |
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hoà Bình đã và đang phối kết hợp chặt chẽ, tập trung mọi nguồn lực con người, máy móc, phương tiện tốt nhất có thể để cứu chữa bệnh nhân, mặc dù chi phí rất tốn kém lên tới hàng trăm triệu một ngày nhưng mục tiêu quan trọng nhất là cứu sống được bệnh nhân.
Hàng ngày, một kíp trực gồm có bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai (5 người) luôn có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình để theo dõi, điều trị bệnh nhân cùng với các bác sĩ ở đây. Đồng thời, các bác sĩ liên tục báo cáo tình trạng của bệnh nhân và xin ý kiến chỉ đạo kịp thời về chuyên môn của Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
“Chúng tôi đang cân nhắc việc có thể sử dụng một loại xe chuyên dụng để có thể chuyển bệnh nhân cùng với hệ thống thiết bị máy móc, trang thiết bị và vật tư về Bệnh viện Bạch Mai mà vẫn đảm bảo các chức năng sống cho bệnh nhân” - GS Bình cho biết thêm.
|
Bệnh nhân đang được cân nhắc chuyển lên trên Hà Nội điều trị. Ảnh: M.T. |
Trước đó, vào khoảng 8h ngày 29/5 tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ có biểu hiện khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa.
Sự cố y khoa nghiêm trọng nhất trong lịch sử của chuyên ngành chạy thận nhân tạo này khiến 7 bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ. Ngoài bệnh nhân Ng. đang nguy kịch, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe và tinh thần đã ổn định.